Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Cười một chút...




CƯỜI MỘT CHÚT...

Ở một nghĩa trang hai con ma ngồi tâm sự:
_Sao mày chết vậy?
_Tao đi làm về nhà gặp vợ tao và tình nhân, tao rượt đánh thì bị vợ tao cản đường, nó chạy trốn mất... tao chạy tìm khắp nhà, trượt chân té đập đầu chết!
_Trời ơi, phải mày tìm trong tủ đông thì tao với mày đâu có chết!!!

Nhà kia có một bé trai mắt sáng, dáng cao trông rất thông minh, nhưng sáu tuổi rồi mà chưa biết nói!
Một hôm cậu bé gọi: "Ông ơi!"
Ba ngày sau ông của cậu đang khỏe mạnh, bình thường tự nhiên lăn  ra chết! 
Lo hậu sự cho ông xong thì một tháng sau cậu bé gọi: "Ba ơi!"   
Cả nhà lo lắng chuẩn bị cho ba cậu.
Ba ngày sau ông hàng xóm tự dưng ngã lăn ra chết!!!

(Sưu tầm)

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Mưa Saigon.


MƯA SÀI GÒN.

Cơn mưa nặng hạt kéo dài hơn tiếng đồng hồ, trời bắt đầu sẩm tối, nó ngồi nhìn qua song cửa như chờ như đợi, mà đợi ai đây?
Hồi xưa còn bé chờ mẹ đi làm về, mưa lớn, nó lo sợ vu vơ, gió thổi từng cơn làm hàng cây nghiêng ngã, nhỡ cây trốc gốc trên đường, làm sao mẹ có thể về với nó?
Rồi mẹ cũng về tới nhà, môi tím tái, tay lạnh ngắt, nó ôm mẹ mà xót xa, thương mẹ quá mẹ ơi...
Lớn lên làm cô học trò áo trắng, chiều tan trường lất phất mưa nó bước vội về sợ mẹ trông ngóng, bỏ sau lưng những ánh mắt nhìn theo.
Rồi biết yêu, những chiều mong mưa đừng tạnh để có cớ ngồi bên nhau lâu hơn! Ôi mưa!
Bây giờ cũng một chiều mưa, nó vẫn muốn chờ đợi như ngày nào, nhưng có lẽ người ấy đã mãi xa rồi! Mưa buồn, thật buồn, mưa ơi!

(29/09/2014)

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Tản mạn: Sinh tố Dừa.

  SINH TỐ DỪA.

_ 5 trái dừa Xiêm
_ 700ml sữa tươi có đường.
_ 20 - 30g đường cát .
Dừa lấy nước để riêng. Cho cơm dừa, sữa tươi, đường vào máy sinh tố xay khoảng 01 phút, Ta có sinh tố dừa ngon tuyệt! Thử làm đi các bạn của tôi ơi!

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Tản mạn.




Tản mạn: Tôi đi mua bán nhà.

Không biết làm gì, tôi tập đi mua bán nhà vậy.
Thời gian thử việc không lương mà còn tốn tiền đổ xăng, tiền nước vì phải nói chuyện, bàn bạc đến khô cả cổ, không sao học việc mà không phải trả tiền thêm là may rồi!
Bước đầu giúp những người quen cần mua nhà, tôi phải nhờ đến phải cò nhà, đứa cháu cần một căn nhà nho nhỏ vừa túi tiền dành dụm của hai vợ chồng nó. Tôi theo cò đi lăng quăng cả buổi sáng trong khu vực Tân Bình, nhà hẻm rộng thì bề ngang hẹp, nhà vừa mắt thì con hẻm chỉ chưa đầy hai mét ngang, ôi, như thế nhỡ có hỏa hoạn làm sao xe cứu hỏa vô được! Công nhận cò hay thiệt, không có hang cùng ngõ cụt nào mà họ không biết, nghề của họ mà!
Có đi mới thấy người nghèo còn nhiều, và họ sống trong những căn nhà không thể gọi được là nhà, bạn có thể ngờ được ở gần đường ray xe lửa, có nhà dài khoảng hơn hai mét, sâu chừng mét rưởi, họ làm gác và để một cái tủ kính nhỏ bán và sửa chữa điện, trong nhà tôi thấy có một máy giặt, một cái võng xếp và một đứa trẻ bi bô, vậy đó, gia đình họ vẫn sống được!
Đi sâu hơn nữa có những con hẻm chằng chịt ngang dọc như trong trò chơi đua xe, lạc vào đây như mê hồn trận, khó mà tìm lối đi ra, mang tiếng là người sống ở thành phố mà tôi thực sự ngỡ ngàng khi bước vào những nơi như vậy!
Hôm sau đi tiếp, có những căn nhà trước mặt là hẻm rộng, nhưng để vô được nơi này thì phải đi qua ngõ chật, ngang chừng hơn một mét, bó tay luôn!
Một tuần trôi qua vẫn chưa tìm được gì, dù đã đổi đến mấy cò nhà, cố lên tôi ơi, tôi tự động viên mình để còn đi tiếp! Trời không phụ người có lòng, tôi tìm được căn nhà trong một hẻm lớn, xe tải đi được nhưng “xẹt” một lần nữa qua hẻm cụt ngang hai mét nhưng chỉ có 3 căn nhà, tôi mua được căn giữa, cháu tôi mừng lắm mà tôi cũng vui vì mối “mở hàng” này thành công, giúp cho tôi đủ tự tin để đi tiếp!
Bây giờ lo cho đứa cháu gái, cô nàng khó tính này chỉ muốn nhà trong cư xá cơ, hẻm yên tĩnh nhưng xe hơi phải vô được! Lên mạng tìm thông tin, rồi điện thoại cho người cần bán, thực ra số điện thoại đó của cò nhà!
Tôi tìm đươc nhiều nhà nhưng chưa có cái nào vừa ý, có nhà hai chủ, có nhà đang tranh chấp, mình không xen vào cho khỏi phiền phức. Có nhà hẻm rộng, mặt tiền đẹp thì hẹp hậu, nhà vừa ý thì hướng nhà không phù hợp… nhưng buồn cười nhất là nhà đã ưng ý, hai bên đã bàn bạc thống nhất giá cả, khi tới đặt cọc thì chủ nhà đổi ý không bán nữa, sửa lại để ở!
Lần này không tính ngày, tính tuần mà đã mấy tháng trôi qua, tôi và cháu gái đã đi xem hằng chục căn nhà, và biết được nhiều cò, họ cũng rất nhiệt tình với mình nhưng  vẫn chưa mua được nhà! Thấy nhiều rắc rối quá nên tôi nói với cháu gái cứ chờ, có duyên thì sẽ có nhà mình mua được, tôi an ủi cháu rằng có nhà chờ đúng chủ, cũng như chủ chờ đúng nhà thì sẽ tiện lợi cho công việc làm ăn hơn!
Bây giờ tôi đi lo cho hai người bạn, một người muốn bán và một người muốn mua, coi có vẻ thuận lợi! Nếu lần này thành công thì các bạn cứ yên tâm khi cần giao dịch thì gọi cho tôi nhé, tôi hứa sẽ giúp bạn không tính phí đâu!


Sóc Tím.
(01/06/2014)

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Đọc bài của bạn.



Qua nhà OM (Hà Tuệ Hương) thấy bài viết hay hay nên không kịp xin phép tác giả đã mang về nhà tải lên chia sẻ với các bạn! Đừng giận nghe OM!

 Công đã bị biến thành Quạ như thế nào?


Chắc ai cũng biết câu chuyện về Công và Quạ. Chuyện kể rằng Công và Quạ cùng dùng chung một hộp màu vẽ, nhưng Công được sở hữu có bộ lông tuyệt đẹp, còn Quạ do quá tham ăn, nôn nóng, nên cuối cùng đành khoác một bộ lông xấu xí.

Chuyện hồi xưa là thế, còn hôm nay mình muốn nói đến chuyện hiện đại hơn, đó là Công đã hoá thành Quạ như thế nào? Nhưng mà sáng nay trời hơi âm u, gợi cho mình hứng thú nói đến chuyện thơ, chuyện nhạc, cho nên mình rẽ ngang, nói chuyện thơ nhạc trước.
Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có một ngôn ngữ thể hiện khác nhau. Ví như nếu ai bảo “Bức ảnh này đẹp như tranh” thì mình thấy thật khập khiễng, hoặc là “Bức tranh này tuyệt vời, trông như ảnh” thì mình giận lắm đấy! Tuy nhiên, riêng thơ và nhạc thì mình nghĩ phải gắn bó mật thiết với nhau. Nhiều bài thơ hay, đọc lên nghe như có giai điệu, có tiết tấu của âm nhạc, và hầu hết các ca khúc hay đều có ca từ gợi chất thơ, hoặc bản thân ca từ chính là một bài thơ. Mình rất không thích những bài hát thiếu chất thơ trong ca từ. Có một số bài khá nổi tiếng, nhưng sự thực là mình không muốn nghe, như loạt bài Không tên của Vũ Thành An, hay loạt bài Bức thư tình của Đỗ Bảo là những ví dụ cụ thể. (Xin lỗi các nhạc sĩ, đây chỉ là ý kiến cá nhân.)
Một nhà thơ khi nghiêm túc lao động để sáng tác một bài thơ nào đó, trước khi đem ra trình làng, chắc chắn anh ấy đã phải cân nhắc kỹ lưỡng từng từ, từng chữ. Mỗi từ, mỗi chữ anh ấy “nhả” ra đều là “máu thịt” của mình. Tuy nhiên, khi anh nhạc sĩ đem bài thơ ra phổ nhạc thì bài thơ chuyển thành loại hình nghệ thuật khác, đó là ca khúc. Ca khúc thì lại là tác phẩm của nhạc sĩ chứ không chỉ là của riêng nhà thơ nữa.

Có một số nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ rất hay như Phạm Duy, Ngô Thuỵ Miên, Phú Quang, … Mình rất thích Phạm Duy với loạt ca khúc phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư… Thử so sánh một bài thơ gốc – Thoáng hương qua của Phạm Thiên Thư với ca từ trong bài hát Em lễ chùa này của Phạm Duy

Bài thơ gốc:
Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp


Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt

Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy


Và lời bài hát:

Đầu mùa xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng màu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp

Mùa hạ qua cùng em đi lễ
Trái mơ ngon đồi gió mơn man
Từ lò hương làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm bờ tóc em vờn


Rồi mùa thu cùng em đi lễ
Có con chim đậu dưới gác chuông
Hòa lời ca vào làn sương sớm
Gió heo may rụng hết lá vàng

Vào mùa đông cùng em đi lễ
Lễ chùa này một thoáng mưa bay
Và ngoài sân vài cành khô gẫy
Gió lung lay một cánh lan gầy.

Vẫn trên nền cấu tứ của bài thơ gốc, ca từ đã được đổi lại cho hợp với nhịp 3/4 và điệu Valse nhịp nhàng, thanh thoát thật tuyệt vời.

Thử một so sánh nữa:

Bài thơ Em hiền như Ma soeur của Nguyễn Tất Nhiên:

…đưa em về dưới mưa
xe lăn đều lên dốc
chở tình nhau mệt nhọc!


đưa em về dưới mưa
áo dài sầu hai vạt
khi chấm bùn lưa thưa
đưa em về dưới mưa
hỡi em còn nít nhỏ
chuyện tình nào không xưa ?


vai em tròn dưới mưa
ướt bao nhiêu cũng vừa
cũng chưa hơn tình rụng
thấm linh hồn ma soeur .


Và bài hát của Phạm Duy với điệu Boston:

Đưa em về dưới mưa,
chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa,
áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa,
hỡi cô em bé nhỏ
ôi duyên tình đã qua,
có bao giờ không xưa?
Vai em tròn dưới mưa,
ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã xa,
thấm linh hồn Ma soeur.

Làm một vài so sánh để thấy nhạc sĩ đã bỏ công sức đầu tư vào lời ca với thái độ thật đáng trân trọng. Tương tự như vậy, với bài Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm, nhạc sĩ Trần Tiến đã làm nên một ca khúc nổi đình nổi đám suốt những thập niên 80-90. Điều đáng nói là nhạc sĩ chỉ lấy ý tứ của bài thơ, còn ca từ đã được sáng tác lại hoàn toàn để phù hợp với xu thế hiện đại.

Mình luôn hứng thú với những ca khúc nổi tiếng phổ từ những bài thơ được giữ nguyên gốc. Nghe những bài này, mình cảm thấy như được xem con công này biến thành con công khác. Đối với những bài được nhạc sĩ sửa đổi lời như mấy ví dụ trên, mình lại như được thấy chim công đã hoá thành chim phượng.

Còn bây giờ mới nói đến chuyện Công hoá thành Quạ đây!

Cách đây khoảng chục năm, mình với mẹ đi xem một buổi ca nhạc chủ đề về Hà Nội, trong đó có bài Hà Nội mùa vắng nhưng cơn mưa do ca sĩ QL trình bày. Khi ca sĩ hát đến câu “Đường cổ như xưa chầm chậm bước ta về”, cả mẹ và mình đều há hốc miệng ngạc nhiên, cứ ngỡ nghe nhầm. Lần sau cố dỏng tai lên để nghe cho rõ thì vẫn thấy ca sĩ hát “Đường cổ như xưa…” Sợ thật! Cũng bài này do ca sĩ CV hát, cảm giác khó chịu vẫn không rời bỏ mình. Lời gốc: “Hoa sữa thôi rơi / Em bên tôi một chiều tan lớp…” nghe có vần có điệu, có chút sương khói mong manh, trong sáng của mối tình thơ dại. Nhưng ca sĩ đã phũ phàng sửa thành “Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp…” nghe trôi tuột hết mọi cảm xúc. Chưa hết, ca sĩ còn tiếp tục sửa “Hơi ấm trao em tuổi thơ ngây” thành “Hơi ấm trao anh tuổi thơ ngây”. Ối giời ơi, thế có chết không! Có cái thơ ngây mà em trao xừ nó cho anh mất rồi thì em còn gì nữa!

Kể thêm mấy trường hợp nữa:

- Bài Điều giản dị có câu “Người yêu ơi dù mai này cách xa / Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta…”. Nghe lời ca có thể cảm thấy một tình yêu da diết. Người ta yêu nhau đến nỗi luôn khắc khoải về một ngày mai có thể mất nhau… Nhưng ca sĩ đã tự ý đổi lại “Người yêu ơi, đừng bao giờ cách xa…” Rõ là Điều giản dị đã được biến thành Điều… phình phường!

- Bài Một mình. Lời gốc:

Vắng em còn lại tôi với tôi
Lá khô mùa này lại rơi
Thương em
mênh mông chân trời lạ
Bơ vơ chốn xa xôi

Karaoke đã sửa thành: Thương em anh mong chân trời lạ… Rõ chán! Thương nhớ kiểu gì mà vợ vừa mới qua đời đã “mong chân trời lạ…” thế nhỉ!

- Bài Thu quyến rũ có câu Mây bay về đây cưới trời – một ý thơ lạ và hay, nhưng tất cả các ca sĩ từ xưa đến nay đều không rõ ý này và hát thành Mây bay về đây cuối trời. Nghe thì cũng xuôi tai, nhưng làm phí mất công tìm tòi của nhạc sĩ.

- Bài Em ơi Hà Nội phố có câu Một chiều phai / (nghỉ nửa nhịp và nhấn mạnh từ “phai”) Tóc em bay. Ca sĩ Lê Dung, Mỹ Linh và Sao Mai đã hát đúng tinh thần đó, nhưng nhiều ca sĩ khác hát liền và không nhấn nên lời ca trở thành Một chiều / Phai tóc em bay và làm hỏng đi cái ý rất đẹp của “một chiều phai”.

- Bài Thuyền và biển có câu Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố, với ý nghĩa Thuyền tượng trưng cho người con gái. Tuy nhiên, đa số nam ca sĩ tự ý sửa thành Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố, làm cho câu thơ trở nên vô nghĩa.

- Bài thơ Chút tình đầu của Đỗ Trung Quân khi phổ nhạc được đổi thành Phượng hồng. Chút tình đầu nghe ngây thơ, trong sáng và “không đụng hàng”, nhưng Phượng hồng thì đã nghe tên nhiều bài na ná như Phượng yêu, Phượng buồn, Nỗi buồn hoa phượng…, tóm lại là làm ta nhớ đến dòng nhạc sến. Ngoài ra, Chút tình đầu là sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối bài, còn Phượng hồng thì chỉ thấy xuất hiện ở đoạn đầu, nên mình cho việc đổi tên như thế làm giảm giá trị của bài thơ. Bài thơ gốc có đoạn:

Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiều – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.

Nghe có vần điệu và logic.

Lời bài hát được sửa thành:

Mối tình đầu của tôi
Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi
Ai cũng hiểu – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.

Lời ca trở nên mất hẳn vần ở câu cuối như ta đang ăn thì nhai phải sạn và chả còn logic nữa. Đã khờ dại, đã ngọng nghịu như thế còn đứng đó mà làm thơ gì nữa nhỉ!

Ồ ố ô, Công đã hoá thành Quạ như thế đó. Và chiều thứ sáu vừa rồi, có một con công của mình cũng vừa hoá quạ. Con công của mình như thế này:



Và sau khi “được” chỉ đạo chỉnh sửa, nó đã thành thế này:



Thôi thì đành tìm một cái tên hoạ sĩ Nguyễn Thị X Y gì đó thay vào tên của mình ở trang cuối vậy!

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Thơ: Đường quê.




            Hình minh họa của Tuấn Lai ( Lấy trên Google.)



Đường quê!

Đường quê khấp khểnh liêu xiêu
Nhớ con đê nhỏ thả diều ban trưa
Cành tre kẽo kẹt đong đưa
Mùa hè đến muộn ngẩn ngơ nhớ người
Bờ đê trưa vắng em về
Chuồn chuồn bay thấp câu thề bay cao!

Sóc Tím.

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Tản mạn: Đêm trong ca dao.

Hình minh hoa lấytrên Google.

Đêm trong ca dao.

Ca dao là một phần trong cuộc sống. Người ta dùng ca dao để hát ru hay nói lên tâm trạng, nỗi niềm riêng, hay than thân trách phận… Ở đây Sóc Tím chỉ tìm kiếm những câu ca dao dành cho đêm mà thôi.
     
 _Nỗi niềm con trai:
...Trai tơ đòi vợ khóc thầm ban đêm
Khóc rồi bị mẹ đánh thêm
Vợ đâu mà cưới nửa đêm cho mày!
      
 _Thiếu phụ đa tình:
  Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, nhớ trai thì nhiều!
     
 _Vợ chồng trẻ ở chung nhà với mẹ già:
Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay
Mẹ hay mẹ hỏi đi đâu
Con đi lấy muối cho mèo ăn cơm!
     
 _ Nỗi nhớ khi xa nhau
Thức đêm mới biết đêm dài
Xa nhau mới biết một đời nhớ thương!
     
 _ Cũng là nỗi nhớ:
Đêm nằm ôm gối thở than
Gối ơi hỡi gối tình lang đâu rồi!
     
 _Thấy cảnh nhớ người
Đêm đêm ra đứng đầu đình
Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu!
À ơi táo rụng sân đình
Thương anh ở lại một mình nhớ em!
     
 _Chàng trai bịn rịn, cô gái ngại ngùng:
Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương…
Nay về thì mai ở
Bằng ngày thì mắc cỡ
Tối ở không về
Rằng a ối a ra về
Người dưng khó quên!
     
 _ Nỗi lòng cô gái đợi người đi xa:
Đêm đêm ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ
Sao xa tưởng giải ngân hà
Mối sầu tinh đẩu đã ba năm tròn…
     
 _ Lời tỏ tình dễ thương:
Đêm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em nhặt được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi tầm (?) em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau!

Sóc Tím.

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Viết ngắn: Giàn hoa giấy ngây thơ.





Hình minh họa lấy trên Google. 
Giàn hoa giấy ngây thơ!

Nina chụm đôi môi cong nhỏ nhắn gọi: 
-“Lu Cơ…Lu Cơ…” 
Chú chó con chồm chồm hai chân trước, đứng thẳng lên, vẫy đuôi cuống quýt…kêu hư hư trong miệng, chắc nó đòi thả ra.
-“Nào, yên nào, chị thương!” 
Cô bé vỗ về  chú chó, rồi bước ra sân. Nắng đã lên, gió thổi nhè nhẹ làm giàn hoa giấy lay động, cô bé nhìn xa xa, tự hỏi: 
-“Sao lâu quá ba chưa về?”
Bé nhớ tối qua nhắc tới ba sao mẹ khóc vậy, bé lêu lêu: 
-“Mẹ lớn mà khóc nhè!” 
Bé ngẫm nghĩ hay là mẹ cũng nhớ ba! Mà ghét ghê, ba đi đâu lâu quá vậy, không nhớ tới Nina của ba sao? Nước mắt chợt ứa ra, nhớ ba quá ba ơi!
Cô bé nhặt thật nhiều hoa giấy, xanh, hồng, đỏ, tím. Ngồi bệt xuống thềm nhà, đếm: về, không về, về, không về… ba ơi! Nina nhớ ba lắm, ba ơi! Về đi, về với con đi!
Có tiếng gọi, Lu Cơ vừa sủa vừa vẫy đuôi. 
-“Cô Bích, con chào cô Bích” 
Nina mừng rỡ reo lên: 
-“Mẹ ơi!”.
Mẹ bước ra, mỉm cười: 
-“Vào nhà đi em!”
Hai người nói với nhau những chuyện gì nho nhỏ, Nina không nghe được, mẹ đã dặn con nít không được hóng chuyện người lớn, mà Nina có muốn hóng chuyện đâu, cô bé muốn hỏi cô Bích có gặp ba của bé không, ba có về bên nhà bà nội không?
Bé cố mở dây cho chú chó con, dắt nó đi quanh vườn cho đỡ buồn.
Chó Lu Cơ thích chạy tung tăng, và rượt đuổi cô mèo nhỏ, cô mèo nhảy tót lên cây, chú đứng đó tẽn tò kêu hứ hứ. 
-“Lu Cơ, hư quá, giựt dây chị ngã bây giờ!” 
Chú chó đã ngoan ngoãn đi chậm lại, một chút rồi lại quên, giật dây chạy nữa! Cô bé bực mình buông dây chú chó nhỏ, dạo này cô bé hơi khó tính, chắc tại buồn, và càng ngày cô bé càng “mít ướt!” có ai vô tình trêu ghẹo, là khóc, dỗ hoài không nín đâu, cứ gọi Ba ơi!
Cô bé ngồi xuống ghế đá dưới giàn hoa giấy, gom những hoa rụng xếp thành tên ba, Min, hừ còn chữ gì nữa, mẹ dạy quên mất rồi! 
-“Mẹ ơi!”
Chó Lu Cơ vẫy đuôi, chạy ra mừng rỡ, ai vậy?
Người đàn ông đứng bên rào, nhìn chăm chăm vào cô bé, lặng lẽ thở dài. Như linh cảm, cô bé ngước nhìn lên, mừng quýnh kêu lên: 
-“Ba ơi, ba…!” 
Rồi luống cuống chạy ra…

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Thơ: Tháng tư về.




    Hình minh họa lấy trên Google.

Tháng tư về.


Tháng tư về rồi anh có hay

Nắng hong tóc rối hững hờ bay

Bên hiên thoang thoảng hương cau trắng

Tim tím bằng lăng tím áo ai

Sao anh không ở lại chiều nay

Để được cùng nhau tay trong tay

Đi qua con phố nhiều kỷ niệm

Để hát cùng em khúc nhạc say!


Sóc Tím.

(15/04/2014.)