Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Viết từ dãy Hòn Khô Đồng Đế!





Viết từ dãy Hòn Khô Đồng Đế!
Thơ Nguyễn Ngọc Miên!
 
 Sóc Tím: Tôi không biết Anh là ai, thơ của anh có xuất hiện nhiều trên các báo ở Saigon ngày ấy? Chỉ biết những vần thơ đó đã ghi sâu vào ký ức tuổi thơ tôi tới tận bây giờ! Tôi xin ghi lại để chia sẻ cùng các bạn tôi như một món quà mùa hạ!
 
Em ở đó ngàn năm còn xõa tóc,
Ta muôn đời thao diễn giữa trời mây!
Nghe thương nhớ rụng rơi trên triền dốc,
Núi đá buôn trăn trở với cỏ cây!
Ngủ đi em trùng dương ru em ngủ,
Lời ca dao mặn đắng của nhân ngư,
Mắt man dại buông trôi dòng thạch nhũ,
Em nghĩ gì trong vóc dáng trầm tư?
Ngủ đi em trên làn đạn đạo đó,
Người tình xưa đã đã chết dười hỏa châu,
Gọi tuổi tên chừ nghe xa lạ,
Hồn rong chơi vất vưởng chốn tinh cầu!
Ngủ đi em thung lũng này xưa cũ,
Đã hoang vu từ lúc ta lang thang,
Ôi mùa thu mãi tìm về trú ngụ,
Để cơn đau rừng làm lá úa vàng!
Nghe thương nhớ rụng rơi trên triền dốc,
Núi đá buồn trăn trở với cỏ cây,
Em ở đó ngàn năm nằm xõa tóc,
Ta muôn đời thao diễn giữa trời mây!
 
Nguyễn Ngọc Miên


Chuyện của tôi.





Minh Lan và tôi!

Cô ấy là một người bạn khá thân của tôi, có cùng một thời trẻ thơ nghịch ngợm, rồi lớn lên, rồi cô ấy theo chồng đi xa, nhiều năm qua mới  về lại Saigon. Chồng cô ấy ra đi bất ngờ trong một tai nạn giao thông, cô có ba đứa con đã thành đạt nên gánh kinh tế gia đình cô không phải lo! Chuyện buồn cũng giống như tôi, nên hai người bạn cũ đến gần nhau hơn!
Sao hôm ấy trông cô buồn quá, tôi hỏi mãi cô ấy mới nói ra, thật là ai mà không có những riêng tư! Tôi viết lại đây bằng cảm nhận của mình, và đặt mình vào đó để cùng chia sẻ!
(Xin lỗi, tên Minh Lan chỉ để minh họa! Và cũng là nhân vật xưng “tôi”trong bài viết dưới đây!)
Những người trong xóm nhìn vào cách sống của gia đình tôi như một điển hình của xã hội hôm nay, Sáng sáng con cái đi làm, người giúp việc đi chợ , ăn trưa đơn giản, buổi tối cả gia đình mới quây quần bên nhau, tiếng cười nói râm ran, những đứa trẻ đùa vui tíu tít, hạnh phúc như mơ!
Tôi cũng tự kể về mình một chút dù người ta nói: “Cái tôi là đáng ghét!” Nhưng không có tôi thì làm sao có chuyện để nói hôm nay! Sáng sáng tôi dẫn chó cưng đi dạo một vòng, đi bộ khoảng nửa giờ, về ăn sáng, viết gì đó một chút, có khi đi mua sắm, rồi hát với bạn, hay xem phim một mình! 
Sáng nay thức dậy theo thói quen cầm remote bật TV lên, HBO có một phim đang chiếu, mất phần đầu rồi, nhưng cũng hiểu được đôi chút. 
Chuyện về một ông lão, chắc khoảng trên 70, sau một cơn bệnh nặng, khi hồi phục tính tình ông thay đổi hẳn! Tính cách ông trẻ như một chàng trai 25 tuổi, năng động , sôi nổi, trong cả cách sinh hoạt vợ chồng, làm bà vợ khá bực mình. 
Con cái thú vị vì thấy cha mình vui vẻ, yêu đời! Là một người Mỹ, tự dưng ông nói thích sinh hoạt như người Nhật, ăn mặc như người Nhật, tìm hiểu văn hóa Nhật! 
Các con ủng hộ cha, bà mẹ bực mình nhưng ráng chịu đựng! Tức nước vỡ bờ, bà nổi giận và đập phá trong một bữa cơm gia đình!
Các con can gián, bà nguôi ngoai, nhưng ông thì buồn bã tuyệt vọng, như không ai hiểu mình! 
Ông ngã bệnh, dù bà có ân hận túc trực bên cạnh, dù con trai hết lòng chăm sóc an ủi, buồn nhất là lúc sắp ra đi, ông kể cho con trai về trận bóng đá cách 40 năm trước!với giọng điệu thích thú, nhớ cả tên cầu thủ…
Rồi ông nhắm mắt ra đi yên tỉnh, bà mãi ân hận, nhưng qua rồi, nếu lúc trước… cuộc đời nhiều chữ nếu!...
Tôi là người khá năng động như nhiều người bạn nói, rất thích nói chuyện, bàn bạc hay thảo luận điều gì, nên bên tôi bạn bè không thể buồn, không thể im lặng vì nói ra thì…hiểu nhau hơn!
Con trai tôi, rất nghiêm túc với bản thân và những người chung quanh, mỗi khi nói chuyện với con, tôi rất là dè dặt, với bản tính của tôi thích đùa, con hay giận vì những câu nói đùa. 
Thế đấy, tôi khó chia sẻ được với ai, con thích làm theo ý mình, chắc con chưa cần, hay không cần biết suy nghĩ của tôi, hay thấy những điều tôi nghĩ là vu vơ, không thực,… Thế nên tôi cũng muốn im lặng cho qua đi! 
Nếu tôi là người không biết tỏ ra bất cần chung quanh, mặc kệ ai cứ nghĩ sao thì nghĩ, chắc tôi khổ sở lắm, trầm uất mà chết, nhưng tôi là dạng “ruột để ngoài da” nên có thể đi chơi, hát hò, mua sắm…tôi đã xếp được nỗi buồn vào góc tối nhất của tâm hồn! 
Thế đấy, có buồn giận thì chết chẳng có ai thương!
Con gái thì sao? Duyên dáng, ngoan hiền, nhưng là một nhà hùng biện sắc sảo, điều này tôi thua xa, khi có cuộc nói chuyện hay bàn bạc vấn đề gì, để bảo vệ ý mình, con gái nói không cần ngừng để thở, điều này tôi thực sự bó tay! 
Con gái thương yêu tôi, rất thương nữa là đàng khác, bảo vệ tuyệt đối, sợ người khác làm tôi tổn thương, “Vì trên đời này con chỉ còn có mẹ!” 
Nhưng trời ạ, được bao phủ trong lớp màn yêu thương đó, tôi có khác chi là một người tù, khác chi con chim bị thương, được nuôi dưỡng chăm sóc trong chiếc lồng son, dù đẹp dù sang nhưng chim vẫn thích bầu trời xanh kia, dù có nhiều bẩy độc, nhiều thợ săn rình rập giết đi! 
Nhưng bầu trời vẫn bao la, thênh thang, trước khi bị hạ gục thì chim được tự do, tự do tuyệt đối, ai hiểu được tôi? 
Chắc tôi cũng chẳng cần con hiểu, tôi có thể tự do thả hồn trong khoảng trời xanh kia, không ai giam được chim trời, tôi cũng buồn nhiều, muốn chia sẻ cùng ai đó, một chút thôi, cho tôi đươc vui, tôi sẽ vui đến những ngày sau cuối! 
Đôi khi tôi ước rằng mình không là mình hôm nay, sao tôi lại là tôi với nỗi buồn không lối thoát vậy! 
Sao tôi là tôi để được các con quá yêu thương, Trời ạ, sao tôi sợ tình cảm đến thế, sợ tình yêu mà các con đã dành cho tôi!
Tôi còn một đứa con gái, một bóng mờ bên cạnh anh chị nó, nó lạnh lùng đến hờ hững, đôi khi tôi còn quên mất nó hiện diện! 
Vậy đó, tôi giận cả tôi, và hình như tình cảm tôi dành cho các con không giống nhau, nhưng tôi yêu thương trong dè dặt, không biết thế nào nữa! Thôi nhé, tôi mong thời gian qua mau, đêm mau sáng và những ngày mới tôi muốn chứng tỏ mình là chính mình, không phải thứ bỏ đi, hay sở hữu của ai đó, hay của các con tôi! 
Tôi là tôi, có mặt trên cuộc đời, sống hết mình và không bao giờ phải hối tiếc!
“Tôi là ai mà còn khi giấu lệ, tôi là ai mà còn trần gian thế, tôi là ai, là ai, … mà yêu quá đời này!” 
(NS. Trịnh Công Sơn.)
 
Sóc Tím. 
(18/05/2011.)