Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Hồn nhiên trẻ thơ.



TRẺ CON.









                                              Ảnh minh họa lấy trên Google.
 
Hôm nay mẹ hai chú nhóc đi vắng, tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc các bé, nhưng khó nhất là dỗ dành, ru ngủ, trời ạ, tôi ru tôi ngủ còn không được nữa đây, làm sao bây giờ, phải cố hết sức vậy, lỡ hứa rồi mà! Đầu tiên là xếp chỗ, hai bé nằm hai bên, tôi nằm giữa nhé, sao, các bé muốn nghe kể chuyện à, được thôi, mà chuyện gì, Dê đen Dê trắng nhé, tập trung nghe này, (tôi cố lấy giọng nghiêm trang) nghe xong phải đóng giả lại nhé:
            - "Ngày xưa, ở một khu rừng kia, nơi đồng cỏ xanh mượt mà, có nhiều con thú hiền lành sinh sống, Thỏ nâu, Nai, Gà choi, Sóc trắng, Công bảy màu, Rùa, anh em nhà Dê…những con vật này rất yêu thương nhau, hay giúp đỡ nhau và có cùng một nỗi lo là Sói xám, con vật hung hãn này ở cuối cánh rừng, hay ẩn núp đâu đó chờ những bé hiền lành, ham vui, đi một mình là nhào ra bắt.
Một hôm trời nắng đẹp, hoa nở trắng rừng, các cô bướm đủ màu bay lượn bên hoa, trên cành cao chim oanh ca hát, thật là một khung cảnh nên thơ! Anh em Dê vừa đi vừa hát, rất vô tư, quên lời mẹ dặn, phải coi chừng Sói xám, đi đâu phải có bầy đàn vì nguy hiểm đang chờ chực. Mải vui, hai chú lạc nhau, không  thấy Dê đen đâu, Dê trắng ngơ ngác, run sợ đưa mắt kiếm tìm! Bấy giờ là cơ hội của Sói xám, con thú độc ác này đang chờ đợi, khi thấy Dê trắng đi một mình: “Ồ, bữa điểm tâm của mình kia rồi!” Hắn sung sướng reo lên và  nhảy ra, chận đầu dê trắng lại, hỏi: (Tôi cố gằn giọng cho có vẻ dữ tợn.)
            - Dê kia, mày đi đâu?
            - Dạ em đi tìm cỏ non để ăn và nước suối trong để uống.
            - Dê kia đầu mày có gì?
            - Dạ đầu em có sừng bằng bông gòn.
            - Tim mày đang làm sao?
            - Dạ tim em đang …run sợ! (Dê trắng co rúm người, run rẩy nói không ra tiếng.)
Sói đưa hai chân trước lên cao, định vồ lấy Dê trắng, chợt Dê đen đi tới, hắn mừng thầm, phen này chắc là no say đây, hắn nhảy ra gầm gừ, định uy hiếp tinh thần đối phương, hắn giở giọng hăm dọa: (Tôi tiếp tục gằn giọng cho thật dữ dằn.) 
- Dê kia mày đi đâu?
- Tao đi tìm kẻ hay gây sự.
- Hừ, đầu mày có gì?
- Đầu tao có sừng bằng kim cương.
- Giờ mày muốn gì? (Sói đứng bằng hai chân sau, ưỡn ngực, hùng hổ ra oai, định làm cho Dê đen chết khiếp!)
- Hừ, Tao muốn lấy sừng kim cương để đâm vào ngực mày. Nào Sói đến đây đi!
Nói rồi Dê đen xông tới, Sói thấy không ổn, hoảng sợ co giò chạy mất. Dê trắng thoát nạn, cùng Dê đen quay về cánh đồng cỏ xanh, nơi có những người bạn hiền lành, dễ thương."
- Rồi, bây giờ Tom đóng vai Dê đen, Sue là Dê trắng nhé!
- Hổng chịu, hổng chịu đâu! (Cả hai bé cùng kêu lên.)
- Vậy thì… làm sao đây?
- Con muốn làm Sói con hà.
- Con nữa, con cũng muốn làm Sói con. Tom nói.
(Tôi ngớ người: Ấy chết, làm gì có nhân vật Sói con trong truyện này, làm sao bây giờ, chắc tại tôi kể chuyện diễn cảm quá[!!!], nên nhân vật hung dữ như Sói xám trở nên hiền lành, dễ thương. Tôi càng cố gằn giọng, càng cố gầm gừ cho ra vẻ hung dữ, thì càng làm cho chúng thấy ngồ ngộ, thích thú với nhân vật này, trời ạ, cũng may là tôi không làm diễn viên, nếu tôi trình diễn trên sân khấu chắc bị đuổi việc quá!) Trẻ con có khác, chúng thật ngây thơ đáng yêu. Mẹ các bé ơi, làm ơn về nhanh nhé, tôi bối rối quá, tôi thua rồi, chưa bao giờ tôi gặp tình huống tương tự như vầy cả! Tôi tìm cách hoãn binh:
-Thôi ngủ đi, mai còn đi học, lần sau kể tiếp nhé!
Cũng may, Tom, Sue là hai đứa trẻ ngoan, chúng nghe lời và quay ra ngủ ngay, cũng có một phần vì chúng quá mệt rồi. Ngày mai thì sao đây, xin giúp tôi với, chắc phải đặt ra câu chuyện với hai bé Sói thật dễ thương, Sói con dù sao cũng là con nít mà, mà con nít nào cũng rất ngây thơ hồn  nhiên, chỉ người lớn chúng ta thì mới có thể …hung dữ thôi, dĩ nhiên cũng có người lớn rất hiền lành như…tôi vậy đó!
Sóc Tím.
(06/10/2010)

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Viết cho ngày 01/06.





Giàn hoa giấy ngây thơ!

Nina chụm đôi môi cong nhỏ nhắn gọi: 
-“Lu Cơ…Lu Cơ…” 
Chú chó con chồm chồm hai chân trước, đứng thẳng lên, vẫy đuôi cuống quýt…kêu hư hư trong miệng, chắc nó đòi thả ra.
-“Nào, yên nào, chị thương!” 
Cô bé vỗ về  chú chó, rồi bước ra sân. Nắng đã lên, gió thổi nhè nhẹ làm giàn hoa giấy lay động, cô bé nhìn xa xa, tự hỏi: 
-“Sao lâu quá ba chưa về?”
Bé nhớ tối qua nhắc tới ba sao mẹ khóc vậy, bé lêu lêu: 
-“Mẹ lớn mà khóc nhè!” 
Bé ngẫm nghĩ hay là mẹ cũng nhớ ba! Mà ghét ghê, ba đi đâu lâu quá vậy, không nhớ tới Nina của ba sao? Nước mắt chợt ứa ra, nhớ ba quá ba ơi!
Cô bé nhặt thật nhiều hoa giấy, xanh, hồng, đỏ, tím. Ngồi bệt xuống thềm nhà, đếm: về, không về, về, không về… ba ơi! Nina nhớ ba lắm, ba ơi! Về đi, về với con đi!
Có tiếng gọi, Lu Cơ vừa sủa vừa vẫy đuôi. 
-“Cô Bích, con chào cô Bích” 
Nina mừng rỡ reo lên: 
-“Mẹ ơi!”.
Mẹ bước ra, mỉm cười: 
-“Vào nhà đi em!”
Hai người nói với nhau những chuyện gì nho nhỏ, Nina không nghe được, mẹ đã dặn con nít không được hóng chuyện người lớn, mà Nina có muốn hóng chuyện đâu, cô bé muốn hỏi cô Bích có gặp ba của bé không, ba có về bên nhà bà nội không?
Bé cố mở dây cho chú chó con, dắt nó đi quanh vườn cho đỡ buồn.
Chó Lu Cơ thích chạy tung tăng, và rượt đuổi cô mèo nhỏ, cô mèo nhảy tót lên cây, chú đứng đó tẽn tò kêu hứ hứ. 
-“Lu Cơ, hư quá, giựt dây chị ngã bây giờ!” 
Chú chó đã ngoan ngoãn đi chậm lại, một chút rồi lại quên, giật dây chạy nữa! Cô bé bực mình buông dây chú chó nhỏ, dạo này cô bé hơi khó tính, chắc tại buồn, và càng ngày cô bé càng “mít ướt!” có ai vô tình trêu ghẹo, là khóc, dỗ hoài không nín đâu, cứ gọi Ba ơi!
Cô bé ngồi xuống ghế đá dưới giàn hoa giấy, gom những hoa rụng xếp thành tên ba, Min, hừ còn chữ gì nữa, mẹ dạy quên mất rồi! 
-“Mẹ ơi!”
Chó Lu Cơ vẫy đuôi, chạy ra mừng rỡ, ai vậy?
Người đàn ông đứng bên rào, nhìn chăm chăm vào cô bé, lặng lẽ thở dài. Như linh cảm, cô bé ngước nhìn lên, mừng quýnh kêu lên: 
-“Ba ơi, ba…!” 
Rồi luống cuống chạy ra…

Sóc Tím.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Viết cho ngày 1/6.




Bức tranh quê.



(Hình minh họa trên Google.)




Cho tôi về lại tuổi thơ
Cánh đồng xanh ngát ban trưa sáo diều
Vi vu thả gió lên trời
Tựa lưng gốc mít bé ngồi ngủ ngon
Cá đồng rau mướt xanh non
Bữa cơm mẹ gọi các con ơi ời
Để trâu ăn cỏ, về thôi
Chị em vui bước tiếng cười râm ran!

Sóc Tím.
(27/05/2013.)

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Góc suy ngẫm.








Khoảnh khắc và mãi mãi
của
Nguyễn Thị Hồng Loan.

Không là nhà phê bình văn học nên tôi không nghĩ mình viết sẽ hay, ở đây tôi chỉ muốn nói lên cảm nhận của mình khi cầm trên tay một quyển sách xinh xinh, với màu vàng nhạt trang nhả, giản dị như cách viết của tác giả vậy!

Có những bài tôi đã được đọc trên blog, nhưng vẫn thích xem lại, thấy hay, thấm đẫm tình cảm, và khóc được, đó là “Vện”, chuyện viết về một chú chó có nghĩa, vì chủ nghèo nên bị bán đi, vẫn ngày ngày tìm về thăm chủ! Chó là con vật rất trung thành với chủ, dù chủ nghèo khó nó cũng không bao giờ bỏ chủ mà đi! Đọc hết bài tôi nghe sóng mũi mình cay cay, ôi thương quá!

Tiếng rao” như một nét văn hóa của một vùng miền, đô thị hay thành phố lớn, được tác giả ghi lại một cách tài tình: “Ai mua xôi nào…xôi nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!” hay “Ai cháo sườn nóng nào”…rồi suy tư: “Cái món cháo sườn ấy đã ăn bao năm rồi, nhưng không thể nào quên, vị đậm đà ngọt ngào của nó …” làm cho tôi nhớ lại tiếng rao: “Ai chè đậu đen nước dừa đường cát hông?” tiếng rao kéo dài những chữ cuối nghe ngọt lành mát rượi giữa trưa hè! Thế đấy, tiếng rao như đi vào ký ức của một thời tuổi nhỏ!

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.”phải gom thêm 2 bài “Cất vó” và “Nếm mùi sơ tán.”
Chất trẻ thơ hồn nhiên trong sáng thể hiện rất rỏ nét, cách mà Hồng Loan tả về xóm của mình, với cây bưởi, cây ổi, cây sấu:
“Hiếm khi đứa nào hái được quả (ổi) chín, vì quả mới chỉ rụng rốn vài ngày đã bị bọn con trai vặt trước, ăn chát lè lưỡi mà vẫn tươi cười hí hởn vì nhanh tay hơn bọn con gái chúng tôi.”
Người đọc nghe đâu đây thoảng thoảng hương bưởi, chát chát chua chua của ổi non và “nghĩ đến mà thèm chảy nước miếng” cái vị sấu dầm ngày ấy!
Rồi những ngày sơ tán về quê, chiến tranh là nỗi lo của người lớn cơ, với trẻ con, sợ đó rồi quên đó, mải vui với cảm giác khám phá những điều mới lạ, cứ tưởng tượng mà xem, một cô bé Hà Nội lần đầu theo bạn đi cất vó, bắt được những con tép bé xíu,… lạ lắm và vui tươi sung sướng biết chừng nào!
Trong “Nếm mùi sơ tán”, Hồng Loan viết: “Lần đầu rời ba má, như lũ gà con rời cánh mẹ, lại đến một nơi xa lạ chẳng quan hệ ruột rà máu mủ gì, buồn ơi là buồn!...”
Nhưng là trẻ con mà, nỗi buồn đó qua mau, rồi bạn bè mới làm quen: Chị Ao, chị Bờ, bạn Song, bạn Hỉ.
Buồn cười nhất là cái trò ấp trứng gà: “Chị tôi nghĩ gà ấp được thì người cũng ấp được. Thế là từ hôm đó, xin được ba quả trứng, ba chị em tôi thậm thà thậm thụt, sợ ông Biển nhìn thấy coi như toi công, và bắt đầu tự ấp trứng. Mỗi đứa một quả kẹp vào nách. Đứa nào bận việc gì thì nhờ đứa kia kẹp hộ. lúc đầu hăng lắm, sau chán vì thấy gà mãi không nở, lại rắc rối trong mọi sinh hoạt, thế là rủ nhau ra bãi cát sông Hồng lấy gạch dựng bếp luộc chén sạch. Chấm hết một trò chơi.”

Hồng Loan cũng trải qua những lần mất mát trong đời, người chị thân yêu, rồi mẹ, rồi ba… Nỗi mất mát nào mà không đau, không buốt cả hồn, Hồng Loan viết:
“Ba đi vào giờ hoàng đạo, theo như sách nói đó là giờ tốt, hiếm ai đi nhẹ nhàng thanh thản như ba. Nhưng thời khắc nào có ý nghĩa gì với tôi đâu. Tôi chỉ biết đau đớn vì mất ba.”
Mẹ ơi tỉnh lại đi!”
“Vẫn biết qui luật Sinh- Lão- Bệnh- Tử là của muôn đời, nhưng con không nghĩ rằng nó đến bất ngờ như thế.”
Tác giả cầm bàn tay giá lạnh của mẹ mà nhớ những ngọt ngào thuở xưa, những hi sinh vát vả của mẹ cho tuổi thơ con tươi vui, hạnh phúc…
“Mẹ hãy cố dậy nghe con hát một lần, và chỉ một đoạn này thôi mẹ ơi!”
Bên tai tôi như nghe văng vẳng bài hát “Mẹ” của Phan Long, tôi nhớ đến mẹ tôi và nước mắt đã tuôn rơi tự lúc nào!

Lời ru nào cho em.”
“Có ai lớn lên mà chưa từng nghe một lời ru? Và đã có bao nhiêu lời ru trong cuộc đời mỗi con người?”
Với Hồng Loan, lời ru của người cha, ngọt ngào và thân thiết, và những biến tấu rất vui, rất đời thường!
Tác giả nói: “Tôi buồn cười hỏi ba về lời ru ấy của ba hay của dân gian, ba cười hiền không nói. Rồi chờ má lâu chưa về ba lại ngâm nga:
Con mèo nằm bếp co ro
Ít ăn thì lại… ít lo ít làm
Con ngựa đi Bắc về Nam
Nhiều ăn thì lại… nhiều làm nhiều lo!”
Ba của tác giả trong lời ru có tính cách của người người lính, thật thà đến dễ thương..
Hay là:
À…á…à… mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc…hái rau mẹ à.. ờ… nhờ!
Những người mẹ mượn lời con để nhắc mình đừng vì cuộc mưu sinh nhọc nhằn vất vả mà hành hạ con cái.
Ba không còn nữa, mẹ cũng chẳng thể ru được nữa nhưng lời ru vẫn còn đây…” 
 Lời ru” có thể là một “di sản văn hóa phi vật thể”, được chứ!

Trong “Bùa mê
Tình yêu trong đời và đạo thể hiện một cách nhẹ nhàng làm cho người đọc vừa suy ngẫm vừa thấy vui vui:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…
Câu ca dao này ai cũng biết, nhưng theo cách thể hiện của tác giả lại thấy hay hay,  chuyện tình cảm cũng tự nhiên thôi, dù là người xuất gia trái tim cũng tươi nguyên, cũng biết rung động như người thường!
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.
Còn cô yếm thắm, quyến rũ người tu hành có tội hay không, trời biết!
Tôi nhớ một câu chuyện, đọc đâu đó, hình như trong báo Kiến thức ngày nay (?): (Một bài thơ kể chuyện, lâu quá rồi nên tôi không thuộc nổi!)
“Một vị cao tăng tu trên non cao, có một đệ tử sư nuôi dạy từ tấm bé đến trưởng thành, nhưng cậu bé chưa biết gì về cuộc sống bên ngoài.
Một hôm sư cùng đệ tử đi xuống núi xem con người ta sống ra sao. Sư vừa đi vừa chỉ cho đệ tử con sông, cánh đồng và những gì thấy được trên đường đi.
Có “vài cô thiếu nữ đi qua, thấy con trai ửng hồng đôi má, ngầm trao ánh mắt đưa tình!” Đệ tử hỏi thầy đó là gì, thầy đáp quanh co: “Đó là cái nón lá, rất hung hản không nên gần!”
Chiều về cậu đệ tử cứ buồn rười rượi, cơm chẳng buồn ăn, hỏi không muốn nói! Sư theo hỏi mãi, đệ tử nói: “Con nhớ cái nón lá, thầy ơi!”

Nếu đọc cuốn sách này mà bỏ qua phần tác giả phê bình văn người khác thì rất lảng phí!
Với “Đảo chìm.” của Trần Đăng Khoa, tác giả viết:
“ Đảo chìm đem đến cho ta một góc nhìn khác về cái lão trẻ vừa qua già chưa tới Trần Đăng Khoa. Nếu trong Góc sân và khoảng trời là một Trần Đăng Khoa hồn nhiên giàu mơ mộng, trong Chân dung & đối thoại là một kẻ sĩ nâng tầm vóc trong bàn luận về các cây cổ thụ trong làng thi ca, các bậc đàn anh đàn chị, các bậc cha chú… trên văn đàn dân tộc, thì trong Đảo chìm lại thấy một Trần Đăng Khoa rất con nhà lính, bỗ bã, chân chất, hào sảng… Cứ để Trần Đăng Khoa lăn lóc với thực tế, va đập với thử thách nghiệt ngã, hắn sẽ ăn sóng nói gió và dâng cho đời những hương thơm cỏ lạ hơn chăng!

Với bài thơ “Tặng em.” của Vũ Tuấn Anh, Hồng Loan đưa tôi đến những cảm giác thú vị từ “sợi nắng vàng” gom heo may, gom hương cốm…kết lời tặng em.
Tặng em” không mua được để trao tay, mà chỉ có thể trao nhận cảm xúc và đón nhận bằng rung động của tâm hồn (HL)
Chỉ 4 câu thơ thôi mà Hồng Loan bình thật hay, thật sắc sảo, làm cho tôi phải thốt lên rằng: “Ôi, mình cũng có đọc bài thơ đó mà, …ừ, mà mình đâu phải nhà phê bình!"
Chắc chỉ có những tâm hồn thơ mới đồng điệu, mới hiểu nhau, mới có thể nói lên những cảm xúc dạt dào như thế!

Còn nữa và còn nhiều nữa, có những bài thơ nhỏ như viết cho chính mình: “Say.”
“Rượu nào chưa nhấp mà say
Tay nào vụng, lỡ rót vay ưu phiền
Chân nào bước ngả, bước xiên
Lòng nào chuếnh choáng về miền…. không ta!”

Hay phân vân giữa đời và đạo: “Trước cửa thiền.”
“Cửa thiền cũng muốn dừng chân
Nhưng lòng còn vướng bận trăm nỗi niềm.
Mai sau dứt bỏ ưu phiền
Tịnh tâm có được về trên … Niết bàn!”

Khoảnh khắc và mãi mãi của Hồng Loan còn nhiều điều thú vị mà tác giả nói lên với một giọng văn rất tự nhiên và lôi cuốn! Trong một bài cảm nhận tôi không thể nói lên được hết những suy nghĩ của mình, sợ quá dài làm các bạn thấy chán! Cuốn sách dù nhỏ, nhưng tập hợp những câu chuyện đời thường mà khi đọc xong ta nghe trong lòng có một chút gì dễ thương thân thiện như vừa được nghe tâm sự của một người bạn ở một nơi xa.   
Hãy đọc và cảm nhận các bạn nhé!

Sóc Tím.
(18/05/2013.)
 

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Bài đăng lại.



                                      Tôi và Chíp!
 

Mới vào trường này, nhóm chúng tôi vẽ ra thật nhiều mộng đẹp! Hì, còn mới toanh hà, tưởng dễ ăn lắm, cứ thi rớt vài lần rồi biết liền hà! Chị Mai nói như vậy đó, tôi không tin, hừ, làm gì mà rớt được, không sợ đâu! Rồi thả hồn lang thang, sau giờ học dạo chơi trong sân, thấy các anh chị học bài trong thư viện, im ắng đến nghe được tiếng quạt e e!
Một cậu bạn chắc học lớp trên, có vẻ tất bật, đi vào học khi cổng trường sắp đóng lại và khi ra về cũng hối hả, tôi để ý rồi đó, không nói cho các bạn nghe đâu!
Ai nói con gái đi học chẳng biết làm việc nhà gì cả, tôi không có vậy đâu nhé, tôi hơi khéo tay, may nè, cắm hoa nè, Soeur Bet thích lắm, lễ lớn nào tôi cũng vào nhà thờ giúp cắm hoa, vừa rồi cô Oanh thi ở quận, tôi cũng theo, được giải nhất đấy nhé!
Tôi đi mua hoa trang trí nhà bác Thu, chuẩn bị đám hỏi cô Út!
Có một shop hoa mới mở gần nhà thờ, sang xem thử. Ồ, nhiều hoa đẹp quá, tôi đang ngắm thì "cậu" hàng hoa mời chào: "Chọn đi cô bé, lan, huệ, hồng, cúc...!" Ngước nhìn lên, ồ, Chip, đó là tên các bạn tôi đặt cho cậu bạn hay đi học muộn! "Hì, người quen, bạn tên gì vậy?" "Mimi, còn bạn, thôi, tôi gọi bạn là Chíp nhe, các bạn tôi thích tên này! Chip hơi ngơ ngác: "Ờ cũng được!"
Từ đó tôi có bạn Chíp, hôm nào không có tiết học tôi giúp bạn ấy cắm hoa vào những chiếc giỏ xinh xắn, bày ra trước cửa hàng, nhiều hoa quá, tha hồ mà luyện tay nghề, học cắm cả hoa cưới, hoa tang...
Một hôm Chíp hỏi tôi có biết làm thơ không? Hì, đúng hệ rồi, tôi muốn nổ một chút, mà thôi, phải khiêm tốn chứ! "Biết chút ít, mà Chíp hỏi làm gì?" "Có những người đặt tôi viết điếu văn, nếu bạn làm được thì tôi nhận, kiếm ít tiền tiêu!" Nói thật , tôi hơi thất vọng, thôi cứ nhận đi, cũng là công việc mà!
Tôi cứ tưởng việc ấy là chán ngắt, chắc buồn lắm đây, nhưng không hẳn vậy! Có người buồn, có người đến nhờ viết mà mặt mày tươi tắn lắm, nghe đâu vợ giám đốc vừa qua đời!... Thôi, không để ý nữa, tuần rồi Chíp chia được kha khá, đủ để khao đám bạn nghịch như giặc đi ăn kem! Trời ạ, chúng tra hỏi tôi đủ thứ, nào là có gì với Chip không, khai đi rồi được tha thứ, nào là hăm mét mẹ tôi vì tôi "dám" đi làm thêm!... Bây giờ đâu phải mùa tết, nhà may của mẹ tôi đâu có nhiều đồ để thức khuya mà may, hì, tôi chỉ phụ cắm hoa ngoài giờ thôi mà!
Tôi cố học ngày học đêm, năm thứ nhất cũng qua đi, dù hơi trầy trụa một chút, hì, may quá không phải thi lại môn nào!
Chíp vào năm ba, cậu ta cũng miệt mài, học cả trong lúc bán hoa, mà sao hôm nay Chíp buồn quá vậy, chắc bị bồ đá đây, tôi nghĩ vậy nhưng không nói ra!
Dù chơi khá thân với Chíp, nhưng bạn ấy là người kín đáo, tới bây giờ tôi cũng không biết gì, ừ, thì gặp nhau, cắm hoa, phụ bán, thi thoảng có chỉ bài cho tôi, rồi thôi, tôi cũng không tò mò tìm hiểu thêm làm gì, đủ nhiều việc để suy nghĩ rồi!
Hôm nay Chíp mời tôi đi uống nước, chuyện này mới nhe, thực ra tôi không phải là đứa quá ngây thơ, hồn nhiên, hì, chắc tại chưa tới "giờ thiêng" đó thôi! Đối với Chíp, tôi bao giờ cũng giữ một khoảng cách, một phần chắc tại tôi hay ngó lên, mẹ dặn ra trường mới được yêu nhe, trời ạ, yêu mà cũng chờ ngày giờ nữa, nhỡ lúc đó tim nhảy loạn cào cào lên thì sao?
Chíp trầm ngâm: "Mẹ tôi ốm nặng, tôi phải về gấp, lần này chắc phải hơi lâu mới vào được!" "Chíp cho tôi gửi lời hỏi thăm, mong bác mau hết bệnh, khi bác khỏe rồi Chíp nhớ vào Saigon ngay nhé, đã vô học rồi, coi chừng không kịp bài!" Tôi nói một hơi, hình như để che giấu một chút buồn trong lòng, sao vậy, tôi cũng không hiểu nổi!
Đi bên tôi, Chíp thở dài lặng lẽ, tôi không nói gì, hơi tiếc một chút, có phải là...
Một tháng..., rồi ba tháng, chẳng thấy tăm hơi, hàng hoa của bà cô cũng đổi chủ, đôi lần tôi quay lại hỏi thăm, không ai biết gì! Việc học cuốn hút, thi rồi lại thi,... tôi dần dần quên đi ngươi bạn ấy!
Một hôm cô tôi mời dự đám cưới con gái, chú rể ở nước ngoài về, nghe đâu trước đây có học ở Đại học Khoa học Tự nhiên, ừ, biết đâu gặp được người quen đây!
Tôi tới hơi trễ, cô dâu chú rể và cha mẹ hai bên đang trên sân khấu để chào họ hàng! Ồ, chú rể trông quen quá, Chíp, đúng rồi, bạn cũ đây mà, may là tôi kịp dừng lại, không gọi Chíp ơi! Kỷ niệm xưa chợt ùa về, tôi nghe bối rối một chút, rồi thôi, ai cũng có một mảnh đời riêng, may quá, hồi đó chưa kịp nói gì với nhau, nếu không thì...          
                                           Sóc Tím. 
                                        (04/08/2011.)


Hình minh họa mượn của bogger Bạch Dương.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Viết nhân Ngày của Mẹ.


 
 
Nhắn gửi!
 
Hỡi những người còn có Mẹ
Hỡi những người còn Cha
Hãy làm cho Cha Mẹ mỉm cười
Hãy cài hoa hồng lên tim mỗi ngày
Đừng chờ đợi đến ngày của Mẹ
Tuổi già người như buổi chiều sắp tắt
Không biết hoàng hôn chợt đến lúc nào
Hãy vui khi còn cha mẹ bên ta...
 
Sóc Tím.
(13/05/2013.) 

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Tình thơ mùa hạ!





Chiều!

Cánh cò nhặt thóc triền đê
Nhà ai khói tỏa đê mê bóng chiều
Nhớ mùi lúa mới cơm nêu
Ngọn rau xanh mướt liu riu cá đồng
Về thôi kẻo mẹ đợi mong!
Sóc Tím.
(10/05/2013.)

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Dòng thời gian...



Dòng thời gian…




Tuổi xuân xanh tươi đẹp của đôi uyên ương đầy hạnh phúc!



                                     



Ở tuổi chớm già, người đàn ông này mang dáng vẻ cương nghị, khỏe mạnh! (Trước khi bệnh nặng, cậu ấy trông giống diễn viên điện ảnh quá!)




Chỉ trong một thời gian ủ bệnh thôi, người đàn ông ấy đã già hẳn.


Cậu ấy ráng cười để tôi chụp hình, giờ trông cậu ấy giống tài tử lừng danh Louis De Funès của Pháp! Cậu ấy lại tươi cười khi tôi nói như vậy, thương quá!






Đôi vợ chồng già keo sơn, gắn bó, họ trông rất hạnh phúc, ôi, nếu cơn bệnh đừng sớm đưa cậu ấy đi!

“Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau!”


“Theo thời gian dẫu mái tóc xanh phai, vẫn thấy bên vai mình một tình yêu thủy chung!...”





Với cháu nội trong ngày sinh nhật cô em gái, họ còn tươi cười như thế được bao lâu?





Cháu gái bên vườn thuốc Nam trước nhà của bà Nội!



“Dù đời buồn như cánh nhạc chơi vơi, vẫn còn mong nhớ phút bên người, lúc bao nhiêu tiếng cười, rộn ràng chảy về xuôi!”
Sóc Tím.
(10/05/2013.)




















Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Viết ngắn.







Bạn già.
 



Tôi đến thăm cậu ấy vào một buổi sáng thật buồn, gặp lúc cúp điện, dưới ánh sáng lờ mờ tôi nhìn thấy em co ro như hình một bộ xương cách trí như cách gọi hồi xưa khi còn đi học! (Tôi gọi bằng em cho tiện, em nhỏ tuổi hơn tôi, lại là em rể của tôi.)
Trước đây em là một người đàn ông khỏe mạnh, hát hay, giỏi trong công việc, là một cán bộ kỹ thuật của một công viên giải trí lớn trong thành phố, cho tới khi ngã bệnh em vẫn cố gắng làm việc, đến một ngày không thể đi làm được vì những đợt hóa trị, xạ trị kéo dài, con người em hình như không còn chịu nổi tác dụng của thuốc!
Suy kiệt hoàn toàn, người em nhẹ tênh như không còn sự sống, tóc rụng xác xơ, đầu tròn trĩnh như diễn viên đóng vai Fanthomas ngày trước, tôi gọi em là Ông Thần Đèn khi nói chuyện đùa cho em vui!
Đâu chỉ có thế, những vết truyền thuốc ứa ra như bị bỏng, phải dùng thuốc chống bỏng thoa lên cho đỡ đau đớn! Em gái tôi xót  cho chồng không chịu cho vô thuốc nữa, cùng lúc đó các bác sĩ hội chẩn và cho biết không tìm ra cách điều trị nào mới hơn! Bệnh viện đành bó tay và cho về nhà để chờ…
Có bệnh thì vái tứ phương, em gái tôi tìm thuốc Nam cho chồng uống! Nào là “Bán liên chi + Bạch hoa xà” nào là cây Chó đẻ hay là Diệp hạ châu, sắc uống như nước trà! Không biết tác dụng như thế nào mà em rể tôi dù đã phải tiếp thở bằng bình oxygen mà vẫn ăn được và sống tiếp!
Dạo sau này em uống thêm RH2 hay gọi là Hồng sâm và cây Hoàn ngọc sắc uống thay trà.
Tôi ngồi nói chuyện với em, hỏi thăm tình hình sức khỏe, em mệt mỏi trả lời tiếng được tiếng không, tôi thấy em già đi như ông lão tám mươi, dù mới vừa đủ tuổi hưu!
Tôi nói với em:
        - Đừng buồn bạn già ơi, cậu hãy tự nhắc nhở mình “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!” Em cười thật buồn làm tôi muốn khóc!
Tôi nói chuyện con cà con kê, để cho em vui, kéo em về với ngày qua:
        - Cậu nhớ không, hồi chị ở Lê Minh Xuân, vợ chồng cậu tới thăm, anh chị không có ở nhà, cậu xin con chó Milou, mấy đứa cháu hàng xóm chị cột dây nó cho cậu dẫn đi, ôi trời, chỉ mới nghe nói thôi, chưa gặp một lần nào mà sao chúng tin vợ chồng cậu dữ vậy!  (rồi cùng nhau cười khì!)
Con mèo đi qua cọ cọ vào chân tôi làm quen, tôi vuốt ve bộ lông nó và ôm nó lên:
        - Chị có con mèo mướp, bộ lông thật mướt, lúc chị định về lại Saigon, nhà chưa chuyển hẳn nên cứ đi đi về về, con mèo vì thế cũng bỏ đi lang thang, cứ mỗi lần chị về nhà là tối đó nó về kêu meo meo, chị nói với nó: “Mày là mèo hay là ma mà tối mới chịu về nhà!” cậu biết không, chắc nó hiểu chị nghi ngờ nên hôm sau nó về nhà ban ngày và còn tha cả con nó về nữa!
Tôi nói tiếp cho không khí ấm lên một chút:
        - Cậu là người hạnh phúc nhất, cậu biết không, đâu phải ai cũng được vợ lo tới nơi tới chốn, như anh cậu ngày trước, chị có muốn lo lắng cũng không được, phát hiện bệnh rồi, anh ấy sống không quá ba tháng! Chị chỉ cần anh sống được, dù phải đẩy xe anh đi chị cũng thấy còn vui tươi, căn nhà còn có nóc, cây không bị cụt đọt, mà cũng không được.
        - Cũng có người nói với tôi là tôi hạnh phúc, tôi suy nghĩ là nếu bà ấy đi trước thì sao?
        - Ngày trước, NS Trịnh Công Sơn có kể câu chuyện về ba mẹ của bạn ông:
 Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thường xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ bà cụ xuống bếp bị gió ngã ra bất tỉnh và chết. Mấy đứa con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩn liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên khi cụ ông thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời mẹ sang nhà các con để chăm sóc mấy đứa cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về, ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông cụ nằm trên sập gụ một mình, cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
(Tôi đã đọc gần như thuộc lòng câu chuyện này)
Nhạc sĩ TCS mới kết hợp với giấc mơ khi nằm ốm của ông với câu chuyện tình già keo sơn này để viết lên ca khúc “Hạ Trắng” “Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.”

Sóc Tím.
                                                                (05/05/2013.).

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Thơ tình tím.




Níu!
Cho tôi tìm lại cơn mơ
Tháng ngày xưa ấy bây giờ vắng im
Tìm trong góc nhỏ trái tim
Ngọt ngào trìu mến êm đềm đã xa
Níu thời gian tóc sương pha
Vùng vằng trăng úa, ừ ta mất người!
Sóc Tím.
                                                          (01/05/2013.)