Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Góc suy ngẫm.








Khoảnh khắc và mãi mãi
của
Nguyễn Thị Hồng Loan.

Không là nhà phê bình văn học nên tôi không nghĩ mình viết sẽ hay, ở đây tôi chỉ muốn nói lên cảm nhận của mình khi cầm trên tay một quyển sách xinh xinh, với màu vàng nhạt trang nhả, giản dị như cách viết của tác giả vậy!

Có những bài tôi đã được đọc trên blog, nhưng vẫn thích xem lại, thấy hay, thấm đẫm tình cảm, và khóc được, đó là “Vện”, chuyện viết về một chú chó có nghĩa, vì chủ nghèo nên bị bán đi, vẫn ngày ngày tìm về thăm chủ! Chó là con vật rất trung thành với chủ, dù chủ nghèo khó nó cũng không bao giờ bỏ chủ mà đi! Đọc hết bài tôi nghe sóng mũi mình cay cay, ôi thương quá!

Tiếng rao” như một nét văn hóa của một vùng miền, đô thị hay thành phố lớn, được tác giả ghi lại một cách tài tình: “Ai mua xôi nào…xôi nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!” hay “Ai cháo sườn nóng nào”…rồi suy tư: “Cái món cháo sườn ấy đã ăn bao năm rồi, nhưng không thể nào quên, vị đậm đà ngọt ngào của nó …” làm cho tôi nhớ lại tiếng rao: “Ai chè đậu đen nước dừa đường cát hông?” tiếng rao kéo dài những chữ cuối nghe ngọt lành mát rượi giữa trưa hè! Thế đấy, tiếng rao như đi vào ký ức của một thời tuổi nhỏ!

Cho tôi một vé đi tuổi thơ.”phải gom thêm 2 bài “Cất vó” và “Nếm mùi sơ tán.”
Chất trẻ thơ hồn nhiên trong sáng thể hiện rất rỏ nét, cách mà Hồng Loan tả về xóm của mình, với cây bưởi, cây ổi, cây sấu:
“Hiếm khi đứa nào hái được quả (ổi) chín, vì quả mới chỉ rụng rốn vài ngày đã bị bọn con trai vặt trước, ăn chát lè lưỡi mà vẫn tươi cười hí hởn vì nhanh tay hơn bọn con gái chúng tôi.”
Người đọc nghe đâu đây thoảng thoảng hương bưởi, chát chát chua chua của ổi non và “nghĩ đến mà thèm chảy nước miếng” cái vị sấu dầm ngày ấy!
Rồi những ngày sơ tán về quê, chiến tranh là nỗi lo của người lớn cơ, với trẻ con, sợ đó rồi quên đó, mải vui với cảm giác khám phá những điều mới lạ, cứ tưởng tượng mà xem, một cô bé Hà Nội lần đầu theo bạn đi cất vó, bắt được những con tép bé xíu,… lạ lắm và vui tươi sung sướng biết chừng nào!
Trong “Nếm mùi sơ tán”, Hồng Loan viết: “Lần đầu rời ba má, như lũ gà con rời cánh mẹ, lại đến một nơi xa lạ chẳng quan hệ ruột rà máu mủ gì, buồn ơi là buồn!...”
Nhưng là trẻ con mà, nỗi buồn đó qua mau, rồi bạn bè mới làm quen: Chị Ao, chị Bờ, bạn Song, bạn Hỉ.
Buồn cười nhất là cái trò ấp trứng gà: “Chị tôi nghĩ gà ấp được thì người cũng ấp được. Thế là từ hôm đó, xin được ba quả trứng, ba chị em tôi thậm thà thậm thụt, sợ ông Biển nhìn thấy coi như toi công, và bắt đầu tự ấp trứng. Mỗi đứa một quả kẹp vào nách. Đứa nào bận việc gì thì nhờ đứa kia kẹp hộ. lúc đầu hăng lắm, sau chán vì thấy gà mãi không nở, lại rắc rối trong mọi sinh hoạt, thế là rủ nhau ra bãi cát sông Hồng lấy gạch dựng bếp luộc chén sạch. Chấm hết một trò chơi.”

Hồng Loan cũng trải qua những lần mất mát trong đời, người chị thân yêu, rồi mẹ, rồi ba… Nỗi mất mát nào mà không đau, không buốt cả hồn, Hồng Loan viết:
“Ba đi vào giờ hoàng đạo, theo như sách nói đó là giờ tốt, hiếm ai đi nhẹ nhàng thanh thản như ba. Nhưng thời khắc nào có ý nghĩa gì với tôi đâu. Tôi chỉ biết đau đớn vì mất ba.”
Mẹ ơi tỉnh lại đi!”
“Vẫn biết qui luật Sinh- Lão- Bệnh- Tử là của muôn đời, nhưng con không nghĩ rằng nó đến bất ngờ như thế.”
Tác giả cầm bàn tay giá lạnh của mẹ mà nhớ những ngọt ngào thuở xưa, những hi sinh vát vả của mẹ cho tuổi thơ con tươi vui, hạnh phúc…
“Mẹ hãy cố dậy nghe con hát một lần, và chỉ một đoạn này thôi mẹ ơi!”
Bên tai tôi như nghe văng vẳng bài hát “Mẹ” của Phan Long, tôi nhớ đến mẹ tôi và nước mắt đã tuôn rơi tự lúc nào!

Lời ru nào cho em.”
“Có ai lớn lên mà chưa từng nghe một lời ru? Và đã có bao nhiêu lời ru trong cuộc đời mỗi con người?”
Với Hồng Loan, lời ru của người cha, ngọt ngào và thân thiết, và những biến tấu rất vui, rất đời thường!
Tác giả nói: “Tôi buồn cười hỏi ba về lời ru ấy của ba hay của dân gian, ba cười hiền không nói. Rồi chờ má lâu chưa về ba lại ngâm nga:
Con mèo nằm bếp co ro
Ít ăn thì lại… ít lo ít làm
Con ngựa đi Bắc về Nam
Nhiều ăn thì lại… nhiều làm nhiều lo!”
Ba của tác giả trong lời ru có tính cách của người người lính, thật thà đến dễ thương..
Hay là:
À…á…à… mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc…hái rau mẹ à.. ờ… nhờ!
Những người mẹ mượn lời con để nhắc mình đừng vì cuộc mưu sinh nhọc nhằn vất vả mà hành hạ con cái.
Ba không còn nữa, mẹ cũng chẳng thể ru được nữa nhưng lời ru vẫn còn đây…” 
 Lời ru” có thể là một “di sản văn hóa phi vật thể”, được chứ!

Trong “Bùa mê
Tình yêu trong đời và đạo thể hiện một cách nhẹ nhàng làm cho người đọc vừa suy ngẫm vừa thấy vui vui:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…
Câu ca dao này ai cũng biết, nhưng theo cách thể hiện của tác giả lại thấy hay hay,  chuyện tình cảm cũng tự nhiên thôi, dù là người xuất gia trái tim cũng tươi nguyên, cũng biết rung động như người thường!
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.
Còn cô yếm thắm, quyến rũ người tu hành có tội hay không, trời biết!
Tôi nhớ một câu chuyện, đọc đâu đó, hình như trong báo Kiến thức ngày nay (?): (Một bài thơ kể chuyện, lâu quá rồi nên tôi không thuộc nổi!)
“Một vị cao tăng tu trên non cao, có một đệ tử sư nuôi dạy từ tấm bé đến trưởng thành, nhưng cậu bé chưa biết gì về cuộc sống bên ngoài.
Một hôm sư cùng đệ tử đi xuống núi xem con người ta sống ra sao. Sư vừa đi vừa chỉ cho đệ tử con sông, cánh đồng và những gì thấy được trên đường đi.
Có “vài cô thiếu nữ đi qua, thấy con trai ửng hồng đôi má, ngầm trao ánh mắt đưa tình!” Đệ tử hỏi thầy đó là gì, thầy đáp quanh co: “Đó là cái nón lá, rất hung hản không nên gần!”
Chiều về cậu đệ tử cứ buồn rười rượi, cơm chẳng buồn ăn, hỏi không muốn nói! Sư theo hỏi mãi, đệ tử nói: “Con nhớ cái nón lá, thầy ơi!”

Nếu đọc cuốn sách này mà bỏ qua phần tác giả phê bình văn người khác thì rất lảng phí!
Với “Đảo chìm.” của Trần Đăng Khoa, tác giả viết:
“ Đảo chìm đem đến cho ta một góc nhìn khác về cái lão trẻ vừa qua già chưa tới Trần Đăng Khoa. Nếu trong Góc sân và khoảng trời là một Trần Đăng Khoa hồn nhiên giàu mơ mộng, trong Chân dung & đối thoại là một kẻ sĩ nâng tầm vóc trong bàn luận về các cây cổ thụ trong làng thi ca, các bậc đàn anh đàn chị, các bậc cha chú… trên văn đàn dân tộc, thì trong Đảo chìm lại thấy một Trần Đăng Khoa rất con nhà lính, bỗ bã, chân chất, hào sảng… Cứ để Trần Đăng Khoa lăn lóc với thực tế, va đập với thử thách nghiệt ngã, hắn sẽ ăn sóng nói gió và dâng cho đời những hương thơm cỏ lạ hơn chăng!

Với bài thơ “Tặng em.” của Vũ Tuấn Anh, Hồng Loan đưa tôi đến những cảm giác thú vị từ “sợi nắng vàng” gom heo may, gom hương cốm…kết lời tặng em.
Tặng em” không mua được để trao tay, mà chỉ có thể trao nhận cảm xúc và đón nhận bằng rung động của tâm hồn (HL)
Chỉ 4 câu thơ thôi mà Hồng Loan bình thật hay, thật sắc sảo, làm cho tôi phải thốt lên rằng: “Ôi, mình cũng có đọc bài thơ đó mà, …ừ, mà mình đâu phải nhà phê bình!"
Chắc chỉ có những tâm hồn thơ mới đồng điệu, mới hiểu nhau, mới có thể nói lên những cảm xúc dạt dào như thế!

Còn nữa và còn nhiều nữa, có những bài thơ nhỏ như viết cho chính mình: “Say.”
“Rượu nào chưa nhấp mà say
Tay nào vụng, lỡ rót vay ưu phiền
Chân nào bước ngả, bước xiên
Lòng nào chuếnh choáng về miền…. không ta!”

Hay phân vân giữa đời và đạo: “Trước cửa thiền.”
“Cửa thiền cũng muốn dừng chân
Nhưng lòng còn vướng bận trăm nỗi niềm.
Mai sau dứt bỏ ưu phiền
Tịnh tâm có được về trên … Niết bàn!”

Khoảnh khắc và mãi mãi của Hồng Loan còn nhiều điều thú vị mà tác giả nói lên với một giọng văn rất tự nhiên và lôi cuốn! Trong một bài cảm nhận tôi không thể nói lên được hết những suy nghĩ của mình, sợ quá dài làm các bạn thấy chán! Cuốn sách dù nhỏ, nhưng tập hợp những câu chuyện đời thường mà khi đọc xong ta nghe trong lòng có một chút gì dễ thương thân thiện như vừa được nghe tâm sự của một người bạn ở một nơi xa.   
Hãy đọc và cảm nhận các bạn nhé!

Sóc Tím.
(18/05/2013.)