Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Giấc ngủ hồn nhiên!





Giấc ngủ hồn nhiên!

Giấc ngủ là trạng thái tự nhiên của con người, nó giúp các cơ quan nghỉ ngơi an dưỡng để có thể phục hồi những hoạt động sinh học trong cơ thể. Giấc ngủ giúp con người khi thức dậy có thể vui tươi khỏe mạnh, để làm việc tốt hơn! 
Khi ngủ, hoạt động của các cơ quan chậm và đều, máu vẫn được luân chuyển về tim và đi tới các bộ phận khác! 
Não bộ của người vẫn làm việc, bằng chứng là ta có những giấc mơ vui tươi, cũng có những giấc mơ rối rắm, bực mình, tùy theo công việc và hoạt động của ban ngày của khi ta thức! 
Cũng có những giấc mơ như phim chiếu chậm, hình như nó đã ghi lại những việc ta làm từ thuở nào. Có những giấc mơ mà khi giật mình tỉnh giấc mồ hôi đầm đìa, thường là không nhớ gì, chỉ mang máng là hình như hãi hùng lắm!

Người khỏe mạnh thường có những giấc mơ đẹp, nhẹ nhàng như hoạt động ban ngày của họ. 
Người ốm hay sắp ốm có những giấc mơ kỳ lạ, như một sự báo trước của cơ thể, của tự nhiên để con người có thể đề phòng. 
Đọc một tài liệu về giấc mơ, có một họa sĩ trẻ, đêm mơ thấy mình tự vẽ chân dung, và tiếp những đêm sau đó cứ vẽ đi rồi sửa lại, lặp đi lặp lại như thế hằng tháng trời, người họa sĩ ốm nặng, khi đem vào bệnh viện, người ta phát hiện anh có khối u ở não! Thật không biết đâu mà ngờ!

Tài liệu khoa học nói mỗi đêm nên ngủ khoảng 7 giờ, nếu ít hơn hay nhiều hơn đều có thể đi tới tình trạng giảm khả năng nhận thức.

Khó thật phải không, có những người chỉ làm việc hiệu quả cao nhất vào một vài giờ nhất định gọi là giờ sinh học. 
Mỗi người đều có những giờ sinh học riêng, như một bác sĩ kia, chỉ làm việc từ khoảng 9 giờ sáng tới 12 giờ trưa, rồi thấy mệt mỏi chỉ muốn đi ngủ, có thể đánh một giấc từ 01 giờ trưa cho tới 7 giờ tối sau đó tỉnh táo, có thể làm việc tới hết đêm!

Một người làm công việc nghiên cứu, cứ ba giờ làm việc ông ta lại ngủ nửa tiếng, rồi lại tiếp tục như vậy! Khi chuyển qua làm việc với giờ giấc như công sở, ông thấy mệt mỏi hơn, và nói thời gian làm việc như trước là thú vị nhất, ông thấy khỏe nhất và sảng khoái nhất!

Ba giờ thức làm việc rồi lại đi ngủ một chút, các nhà nghiên cứu gọi đó là “Hội chứng giấc ngủ trẻ thơ!” 
Mà lạ nhỉ, trẻ con ngủ ba giờ và thức dậy chừng độ nửa giờ để khóc và đòi ăn, còn người bị hội chứng này thì trái lại! Cuộc sống kỳ lạ thật, có nhiều điều không thể giải thích được!

Có người chỉ làm việc vào giữa đêm, yên tỉnh, và hiệu quả công việc cao nhất, họ không thể làm công việc đó vào ban ngày, vì phải tập trung cao và không muốn bị chi phối bởi chung quanh. Đó là những nhà văn, dịch giả…ca sĩ thì sao, họ phải tập dượt ban ngày và trình diễn vào ban đêm, rồi cũng quen, dù không làm việc gì, họ cũng không thể ngủ sớm như người bình thường được!

Trên đây được xem như một vài trường hợp đặc biệt, giờ sinh học của một con người bình thường có thể thay đổi theo thời gian, khi còn trẻ giấc ngủ trưa không có gì quan trọng, có khi mê mải với công việc hay vui chơi mà quên đi, vẫn thấy bình thường, vẫn thấy khỏe. 
Tới tuổi trung niên, nếu quên đi giấc trưa, buổi chiều mệt mỏi buồn bã như người bị ốm. 
Các bạn lớp già ơi, đừng quên giấc ngủ trưa, hãy sắp xếp công việc, sức khỏe phải đưa lên hàng đầu nhé!


Sóc Tím.
(05/05/2011.)