Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Bác sĩ với chúng ta!





Bác sĩ với chúng ta!

Hôm đi nhà sách tình cờ Sóc Tím gặp “Gió heo may đã về” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, (Tùy bút viết cho tuổi chớm già.) Chắc nhiều bạn đã đọc, tôi vẫn chia sẻ ở đây! (Xin lỗi, có thể chia sẻ với những bạn chưa đọc, được chứ!).


Đầu tiên Sóc Tím sẽ cùng đọc với các bạn bài viết ngắn của cố NS Trịnh Công Sơn trong sách của BS Đỗ Hồng Ngọc:

Áo xưa dù nhàu.

“Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.” Đó là lời trong bài hát Hạ Trắng của tôi. Bạc đầu có phải đã chớm già không? Theo tôi, bạn Đỗ Hồng Ngọc ạ, đó chỉ là thay đổi màu tóc. Trời đất có bốn mùa. Con người cũng có những mùa riêng của nó. Hết mùa đông thiên nhiên trở lại mùa Xuân. Tôi cũng nghĩ như thế, con người có trái tim biết chìu chuộng và yêu thương cuộc đời cũng sẽ có lại những mùa xuân. Mùa Xuân là bất tận đối với thiên nhiên và của cả nhân loại. Đừng bao giờ ngại ngùng nói với đời riêng chung là tôi còn rất trẻ. Sống trong cùng thời đại, có cùng một ngôn ngữ, một phong tục tập quán, theo tôi, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ. Hãy mạnh dạn nói rằng: Tôi với em hai kẻ đồng hành trong cuộc đời này. Sống trong cùng thời đại, tôi nghĩ rằng, không có già, không có trẻ. Nếu không thì làm sao cảm thông nhau đươc. Tất cả mọi người là bạn, dù là con của bạn đi nữa. Nếu cuộc đời này ai cũng nghĩ rằng mọi người đều là bạn nhau chắc là cuộc sống sẽ thêm da thêm thịt đẹp đẽ biết bao nhiêu. Đây có thể chỉ là giấc mơ riêng của tôi nhưng trong đời sống tôi đã nhiều lần thấy giấc mơ ấy có thực. Cái biên giới giữa tuổi chớm già và tuổi trẻ chỉ là một ước lệ mà nghìn năm trước đã bịa ra. Cái khuôn phép ấy đã làm cho thế hệ này và thế hế kia có những ngăn cách không cần thiết và từ đó làm cho cuộc đời buồn tẻ hẳn đi. Tôi cho rằng cách xử thế như vậy là thiếu lòng nhân ái. Có những thứ tôn ti trật tự cần giữ gìn nhưng cũng có những thứ tôn ti cần xóa bỏ. Xóa bỏ để cuộc đời trở nên thân ái hơn. Yêu thương nhau ai mà không mơ ước. Tóc trắng tóc xanh đáo cùng cũng chỉ là một màu hư vô mây nước trong trời đất mà thôi.
(Trịnh công Sơn.)

Sóc Tím: Những lời của Anh cho tôi một cảm giác thân thương, gần gũi. Dù Anh đã xa cuộc đời này nhưng tôi thấy anh vẫn hiện diện trong từng câu ca tiếng nhạc. Ai đã từng đi trên đường phố Saigon mà không ngâm nga câu hát của anh: “Hàng cây thắp nến lên hai hàng, và nắng bây giờ trong mắt em…” Tôi là một người đồng thời, tuy nhỏ hơn Anh về tuổi tác, nhưng như bài viết của Anh, điều đó có gì ngăn cách đâu chứ, tôi yêu mến Anh,  Anh hiện diện trong đời sống của tôi và những người yêu Anh!

Lan man hoài bây giờ đi vào phần chính nhé. Tôi sẽ đọc lại một bài của BS Đỗ Hồng Ngọc để các bạn cùng chia sẻ nhé!

Gió heo may đã về

Không hẹn mà đến,
Không chờ mà đi,
Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta…
(Trịnh công Sơn.)

Một sớm mai thức dậy, người uể oải, nặng nhọc, bước vào phòng tắm, nhìn vào gương soi, ngỡ ngàng như vừa gặp một người quen mà không nhớ là ai, nhìn tới nhìn lui một lúc mới nhận ra chính là ta đó. Ta mà như không ta. Ta bỡ ngỡ như ở cái tuổi mới lớn năm nào, chợt cao lên, chợt lớn lên và lạ lẫm với chính mình, chân tay lọng cọng như thừa như thiếu, mà mày thanh mắt sáng, mà muốn làm nghiêm cũng thấy như tủm tỉm cười; còn giờ đây, cũng lạ lẫm với chính mình mà thử nhích khóe môi tìm lại nụ cười chợt thấy khó khăn, niềm vui thì vẫn vậy mà sao mắt môi như trĩu nặng. Một nếp xếp đã đậm theo vòng cung khóe miệng, những dấu chân chim đã hằn trên khóe mắt. Và kìa, một vài nhánh tóc đã nhạt phai, khô quắt, mỏng tanh. Bỗng dưng thèm vẽ lại tức khắc khuôn mặt xa lạ mà thân quen kia, trước khi tắm táp, để rồi mày râu nhẵn nhụi lao vào công sở hay giảng đường, công ty, xí nghiệp… Rồi ngắm nghía mình, nghĩ ngợi mình, rình rập mình, mới hay, đã khá lâu rồi không còn dõi theo ta nữa, đã lâu rồi phải lao vào bao nỗi lo toan, đã quên cả chính mình. Đã lâu rồi như không thấy có thời gian, không chờ lễ hội, dửng dưng với những tờ lịch rụng rơi,
Nặng trĩu những kế hoạch, những lịch công tác, vùi đầu vào những lôi kéo bộn bề. Chợt nhớ ra đã có lúc nào kia, phải chú ý lắng tai hơn để nghe người ta nói, có khi phải hử hả đôi lần. Có cái gì ở tai ta vậy? Rồi một lần kia, cầm tờ báo thân quen lên đọc bỗng cứ phải đẩy dần tờ báo ra xa, xa chút nữa, rồi chỉ đọc được những cái tựa, những dòng to. Thôi đành phải đi mua một cái kiếng lão. Có kiếng lão rồi cũng nhứt định chưa lão, bất đắc dĩ lắm mới phải đeo lên, cho đến một hôm rồi đành phải mua thêm sợi dây tòong teng vì kiếm kiếng hoài thật vất vả. Rồi có lúc chợt quên mất tên một người quen, quá quen. Quên cái tên thôi còn thì nhớ tất cả. khi cần nhớ thì quên mà khi cần quên thì nhớ. Nhớ rất kỹ những chuyện xưa cũ. Lạ lùng chưa! Có lúc nhấc điện thoại lên, gọi cho ai đó, định nói điều gì đó thì quên tuốt, đành xin lỗi, nhầm số. không lẽ hỏi người đầu dây bên kia, xin vui lòng cho tôi biết tôi định nói gì với bạn đó vậy? Tính tình cũng đâm ra cáu gắt. chuyện không đáng gì sao cũng quạu. Lại trách cứ. Lại giận hờn. Lại ngờ vực. Lúc nào cũng nói tôi già rồi tôi già rồi như để đươc nghe mọi người nói không chưa già, vẫn trẻ. Rồi những ông bà già ngày nào thấy sao mà họ già khụ, già quá cỡ kia bỗng dưng như trẻ lại, ấy là lúc ta đã già kịp với họ, đã vào cái lứa của họ mà lâu nay vẫn cứ ráng như còn ở lứa nhỏ hơn. Có lúc đã giấu bớt tuổi đi, thì bây giờ lại muốn nâng lên. Ở phụ nữ thì không muốn ai hỏi tuổi nữa. Phũ nữ dĩ nhiên có vẻ như chậm già hơn khi trang điểm tí chút, vẫn giấu được những nếp nhăn chìm khuất. Nhưng khi một mình thức dậy, đứng trước gương soi, cũng sẽ nhận ra chút ngỡ ngàng xa lạ thân quen. Tất cả những “triệu chứng” kỳ cục đó là đặc trưng của tuổi chớm già, đang già, và mới già. Và với tiếng Việt phong phú của mình còn đẻ ra nhiều thứ già khác như già nua, già cả, già xụ, già khú đế, già háp, già… dịch. Che giấu nó, trốn chạy nó, dối gạt chính mình hay chấp nhận nó, mỉm cười với nó, điều chỉnh mình…là tùy mỗi chúng ta, tùy mỗi cá tính và tùy mỗi nền văn hóa. Nơi người ta tôn trọng người già, người ta hãnh diện vì già, muốn mau già. Nơi người ta tôn trọng tuổi trẻ, hất hủi tuổi già thì người ta có khuynh hướng trốn chạy xua đuổi tuổi già. Nhưng dù muốn hay không muốn, tuổi già cũng cứ đến, lù lù đến, xồng xọc đến.
Trước đây không lâu, dưới thời Pháp thuộc thôi, tuổi thọ trung bình của người việt Nam không quá bốn mươi, và do đó, vấn đề tuổi già, tuổi sắp già đã không cần đặt ra. Vả lại ở một nền văn hóa phong kiến, lúa nước, vị trí của các lứa tuổi, của cac nam nữ đã được định sẵn, không có xáo trộn gì nhiều, nên an phận thủ thường thật dễ dàng cho tất cả mọi người. ngày nay tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, nam sáu mươi ba, nữ sáu mươi bảy và còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới, kèm với kế hoạch dân số, sinh suất sẽ giảm, tháp tuổi sẽ ngày một phình to phía trên, và người già sẽ ngày càng đông trong xã hội, đặt ra những vấn đề mới. Hiện nay, tỉ lệ người già trên sáu mươi ở nước ta đã vào khoảng hơn mười phần trăm dân số và những người sống ngoài tám mươi không còn là hiếm. bùng nổ thông tin, đô thị hóa, di dân, và những tiến bộ y khoa cũng góp phần đáng kể vao những thay đổi này. Người ta đã có thể thỉnh thoảng vào ra mỹ viện, chẻ cái cằm, độn cái ngực, lóc cục mỡ bụng, bơm xóa nếp nhăn, tiêm kích thích tố, rồi mỹ phẩm, rồi trang sức, rồi quần áo muôn màu muôn vẻ, người ta đã có thể dễ dàng đánh lừa mình, đã có thể lựa chọn già hay không già, to be or not to be vậy.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
 
 Còn tiếp, chỉ những bài ngăn ngắn như vậy thôi! Lúc nào có thể, hay thấy tâm hồn xao động, hay có những gì không thể chia sẻ cùng ai, Sóc Tím sẽ vào đây đọc tiếp để cảm nhận và được chia sẻ với các bạn nhé!                 
Sóc Tím.
(23/05/2011.)

Tôi đi học!




Tôi đi học!

Con Nhím nhỏ nhẹ: 
-Sóc ơi, thời gian trống nhiều quá, ở nhà một mình buồn chết, đi học với Nhím đi!” 
Hì, Nhím này khi cần mình thì ngọt ngào lạ luôn, ai biểu lớn mà vô lớp trẻ con làm gì, định chọc nó vài câu, mà thấy mặt nó tội tội sao ấy, tôi biết nỗi lòng của nó, ở lớp tiếng Anh ăn mặc đẹp như nó học trò cứ tưởng là cô giáo! 
Thôi thì: 
-“Ừ để Sóc thu xếp!” 
Nhím mừng quýnh: 
-“Hứa rồi nhé, nhớ không rút lời, sao, ba năm bảy, hay hai tư sáu?”   
-“Ba năm bảy, được chứ, buổi tối!”
-“Ừ, ban ngày còn phải mưu sinh!” 
Tôi cười khì: 
-“Ở Siêu thị hay Shop thời trang?” 
-“Hừ, phải đi nghiên cứu thị trường chứ! Thôi đi theo tao, quán Hai cây Dừa, hì, bánh mì tôm chiên” 
-“Trời ạ, nhìn lại đi, mình vầy nè mà cứ tới quán teen hoài, coi sao được!” 
-“Nhưng giá của nó chấp nhận được!” 
-“Thôi thì đi vậy!” 
Tôi hay chịu thua nó, vì nó nói đúng mà!
Ngồi bên ly chè kem mát lạnh, tôi nhớ lại hồi xưa thật vui, con Nhím rất thích trẻ con, lần đó Dì tôi về quê chồng có việc, Dì mang cu Bi cu Bin gởi cho mẹ tôi trông giùm, sáng tôi đi học, chiều về ru em, tôi không quen nên rất ngại công việc này. 
Con Nhím sang chơi thấy hai đứa bé thì thích quá (Nó không có chị em gì nên rất thương con nít!) 
Vậy là mỗi ngày đi học về, nó học bài thật nhanh rồi qua nhà tôi chơi với hai đứa trẻ, tắm táp, cho ăn, ru ngủ, nó làm tất, hai đứa bé thì đeo dính nó. 
Mẹ tôi nói: 
-“Thấy chưa, con người ta giỏi giang như vậy, còn con Sóc nhà mình thì… sao lười vậy con?”
Một bà ngồi bàn bên cạnh, dẫn theo đứa con chừng hai, ba tuổi, bé xinh lắm, mắt tròn to và mi cong vút, con Nhím lại gần làm quen, hì, yên ổn được một chút, những giây phút hiếm hoi may mắn có được khi Nhím ta bận rộn!
Cậu bé mang phù hiệu Bắc Hải, chắc chừng học lớp 2, gọi bánh mì và ăn lấy ăn để hình như đói lắm, tội quá chắc sáng đi học sớm, chưa kịp ăn. 
Nhớ hồi nhỏ, mình có khác gì bé bây giờ đâu, sáng luýnh quýnh ôm cặp chạy theo anh, để anh đưa mình đi một đoạn đường vì trường khá xa! (Chắc xa vì mình còn quá nhỏ, xa nhà một chút đã là xa rồi!)

Trường hồi đó chia ra ba bậc:


*Tiểu học:   Từ lớp 1 đến lớp 5.

*Trung học: Chia làm 2:
          - Đệ nhất cấp   : Từ lớp 6 đến lớp 9.
          - Đệ nhị cấp     : Từ lớp 10 đến lớp 12.
* Đại Học:

Học hết lớp 5, đủ điểm, đương nhiên được cấp bằng Tiểu học.
Muốn vào trường công lập phải thi tuyển. 
Hồi đó những trường công lập nổi tiếng ở Sài gòn như Gia Long, Trưng Vương… là trường Nữ, hay Võ Trường Toản, Lê Quý Đôn…là trường Nam.
Trường Trung học (học từ lớp 6- 12) , học hết lớp 9, đủ điểm đương nhiên được cấp bằng Trung học đệ nhất cấp (trước đây gọi là bằng Thành Chung, còn một tên gọi khác, xin lỗi, tôi không nhớ được!) Rồi tiếp tục học lên lớp 10.

- Trước năm 1973, trung học có hai lần thi:
          - Thi Tú Tài I, cuối năm lớp 11. Đậu, học tiếp lớp 12.
          - Thi Tú Tài II, cuối năm lớp 12. Đậu , sẽ thi vào đại học.

- Đến năm 1974, chỉ còn một lần thi Tú Tài duy nhất! (còn gọi là Tú Tài IBM, thi trắc nghiệm.)

Học sinh trường công lập, nghiêm túc và gắt gao, nghỉ nhiều bị đuổi học, đa số thi đậu đại học. (khoảng 60%, con số này rất lớn so với học sinh trường tư thục!)

Số học sinh trường tư thục rất đông, coi như học sinh tự do vì không phải chịu gò bó, ép buộc gì!
 Có những trường tư thục rất nổi tiếng như Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, … số học sinh đậu đại học tương đương với HS các trường công lập!
Cũng có những trường Pháp như Lasan Tabert, Marie Curie…Dạy chương trình Pháp hoàn toàn, tổ chức thi riêng, bằng cấp quốc tế, số học sinh này là con nhà giàu, hay con sĩ quan cao cấp! 
Cũng có con nhà nghèo học giỏi, trường hợp này được cấp học bổng toàn phần! 
Thi Bac II, ( Tú Tài II.) đậu, đi du học nước ngoài!

Trường dạy tiếng Anh chỉ có Hội Việt Mỹ là nổi tiếng nhất, nhưng chỉ dạy tiếng Anh thôi!
Đại học.
          -Có những trường thi tuyển: Y khoa, Nha khoa, Dược khoa, Nông Lâm Súc, Kỹ thuật Phú Thọ (Như ĐH Bách Khoa bây giờ)…
          - Trường không thi tuyển: Văn Khoa, Khoa Học, Luật Khoa…
          -  Đại Học Tư: Y Khoa Minh Đức, Vạn Hạnh. (Trường Đạo Phật.)
Cao đẳng.
Dành cho học sinh không đậu ĐH, hay không đủ điều kiện theo học đại học.
Các trường dạy nghề…Như bây giờ.

Trường hợp học sinh không có đủ điều kiện đi học, nghèo,…tự học, được tự nộp đơn thi Tú Tài (gọi là Thí sinh Tự do.) Thi cùng lúc như thí sinh các trường, cùng đề thi, bằng cấp cũng như  nhau!

Nhím quay sang tôi như cắt dòng suy nghĩ: 
-“ Nhớ ai mà ngẩn ngơ vậy Sóc!” 
-“ Hì, con bé về rồi hả, sinh thêm một đứa đi, cứ thấy trẻ con là sáng mắt!” 
-“Để tao nghĩ lại đã, lúc nó 20 tuổi thì mình…, thôi cưng con nít của người khác vậy.”

Sóc Tím. 
(23/05/2011.)