Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Viết ngắn: Giàn hoa giấy ngây thơ.





Hình minh họa lấy trên Google. 
Giàn hoa giấy ngây thơ!

Nina chụm đôi môi cong nhỏ nhắn gọi: 
-“Lu Cơ…Lu Cơ…” 
Chú chó con chồm chồm hai chân trước, đứng thẳng lên, vẫy đuôi cuống quýt…kêu hư hư trong miệng, chắc nó đòi thả ra.
-“Nào, yên nào, chị thương!” 
Cô bé vỗ về  chú chó, rồi bước ra sân. Nắng đã lên, gió thổi nhè nhẹ làm giàn hoa giấy lay động, cô bé nhìn xa xa, tự hỏi: 
-“Sao lâu quá ba chưa về?”
Bé nhớ tối qua nhắc tới ba sao mẹ khóc vậy, bé lêu lêu: 
-“Mẹ lớn mà khóc nhè!” 
Bé ngẫm nghĩ hay là mẹ cũng nhớ ba! Mà ghét ghê, ba đi đâu lâu quá vậy, không nhớ tới Nina của ba sao? Nước mắt chợt ứa ra, nhớ ba quá ba ơi!
Cô bé nhặt thật nhiều hoa giấy, xanh, hồng, đỏ, tím. Ngồi bệt xuống thềm nhà, đếm: về, không về, về, không về… ba ơi! Nina nhớ ba lắm, ba ơi! Về đi, về với con đi!
Có tiếng gọi, Lu Cơ vừa sủa vừa vẫy đuôi. 
-“Cô Bích, con chào cô Bích” 
Nina mừng rỡ reo lên: 
-“Mẹ ơi!”.
Mẹ bước ra, mỉm cười: 
-“Vào nhà đi em!”
Hai người nói với nhau những chuyện gì nho nhỏ, Nina không nghe được, mẹ đã dặn con nít không được hóng chuyện người lớn, mà Nina có muốn hóng chuyện đâu, cô bé muốn hỏi cô Bích có gặp ba của bé không, ba có về bên nhà bà nội không?
Bé cố mở dây cho chú chó con, dắt nó đi quanh vườn cho đỡ buồn.
Chó Lu Cơ thích chạy tung tăng, và rượt đuổi cô mèo nhỏ, cô mèo nhảy tót lên cây, chú đứng đó tẽn tò kêu hứ hứ. 
-“Lu Cơ, hư quá, giựt dây chị ngã bây giờ!” 
Chú chó đã ngoan ngoãn đi chậm lại, một chút rồi lại quên, giật dây chạy nữa! Cô bé bực mình buông dây chú chó nhỏ, dạo này cô bé hơi khó tính, chắc tại buồn, và càng ngày cô bé càng “mít ướt!” có ai vô tình trêu ghẹo, là khóc, dỗ hoài không nín đâu, cứ gọi Ba ơi!
Cô bé ngồi xuống ghế đá dưới giàn hoa giấy, gom những hoa rụng xếp thành tên ba, Min, hừ còn chữ gì nữa, mẹ dạy quên mất rồi! 
-“Mẹ ơi!”
Chó Lu Cơ vẫy đuôi, chạy ra mừng rỡ, ai vậy?
Người đàn ông đứng bên rào, nhìn chăm chăm vào cô bé, lặng lẽ thở dài. Như linh cảm, cô bé ngước nhìn lên, mừng quýnh kêu lên: 
-“Ba ơi, ba…!” 
Rồi luống cuống chạy ra…

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Thơ: Tháng tư về.




    Hình minh họa lấy trên Google.

Tháng tư về.


Tháng tư về rồi anh có hay

Nắng hong tóc rối hững hờ bay

Bên hiên thoang thoảng hương cau trắng

Tim tím bằng lăng tím áo ai

Sao anh không ở lại chiều nay

Để được cùng nhau tay trong tay

Đi qua con phố nhiều kỷ niệm

Để hát cùng em khúc nhạc say!


Sóc Tím.

(15/04/2014.)

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Tản mạn: Bước chân trong thi ca.



        Bước chân trong thi ca







               Tranh thiếu nữ minh họa của Họa sĩ Đinh Cường.

Người con gái mang nét đẹp dịu dàng phải có một dáng đi chuẩn mực, đầy nữ tính, không hấp tấp, bước từng bước khoan thai, nhẹ nhàng…
Cô gái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, rất ngây thơ trong sáng:
Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu!...
Ngày xưa là như thế, dáng đi cũng thể hiện đẳng cấp, giàu sang hay cùng cực!
Với Trịnh Công Sơn trong bài “Ở trọ.”
Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều!...
Hỏi tại sao “Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều!”? Ồ, tại vì Thúy Kiều là người con gái đẹp nhất trong thơ Nguyễn Du!
Với Nguyễn Tất Nhiên trong bài “Hai năm tình lận đận” và dòng nhạc Phạm Duy:
Em thường hay mắt liếc
Anh thường ngóng cổ cao
Ngoài đường em bước chậm
Quán chiều anh nôn nao!...
Chàng thì cứ đợi chờ, cứ nôn nóng, nàng bước đi chầm chậm thôi, phố chiều còn bao cặp mắt nhìn theo người đẹp!
Nhà thơ Phạm Thiên Thư, với cô nữ sinh Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị.” Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ, rất dịu dàng, rất đáng yêu:
Em đi dịu dàng
Bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường
Nằm im giấu mỏ
Anh theo Ngọ về
Gót giày lặng lẽ đường quê!...
Bước chân Ngọ đi qua nhẹ nhàng, êm ái đến “Chim non lề đường không giật mình bay đi mà nằm im giấu mỏ.”  Ngọ là hình ảnh của nữ sinh thời đó!
Và bước đi làm tan nát lòng người, Đoàn Chuẩn – Từ Linh với bài “Gửi người em gái”
...Nàng đi gót hài xanh
Nàng đi trong dạ sao đành
Đường xưa lối cũ ân tình nghĩa xưa...

 Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay lả lơi trên đôi vai
Nhìn xác pháo bên thềm
Chạnh lòng tôi nhớ đến người em!...
Với bài hát “Tà áo xanh” cũng của Đoàn Chuẩn- Từ Linh:
Rồi chiều nao xác pháo
Bên thềm tản mác bay
Em đi trong xác pháo
Anh đi không ngước mắt
Thôi đành em!...
Lời thơ rất bình dị, nhẹ nhàng mà sao lòng nghe thổn thức, xốn xang, phải chăng là có sự đồng cảm. Người có tâm sự mà hát lên bài hát này chắc sẽ rơi nước mắt! Người viết chỉ muốn kêu lên: “Ôi những bước chân… sao mà nghe đau xé lòng!”
Sóc Tím.

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Tản mạn: Quê hương.



Hình minh họa lấy trên Google.

Quê hương.



“Không ai yêu mẹ bằng con, không ai yêu con bằng mẹ. Mẹ là quê hương của con, quê hương với chuối ba hương, với cơm nếp mật với đường mía lau!” (Nguyễn Quốc Việt)

Mẹ là tất cả êm dịu ngọt ngào mà ta có được! Thương yêu con từ chín tháng cưu mang, sinh con ra mẹ chịu bao đớn đau, vất vả! Rồi nuôi dạy cho nên nên người, với bao hy sinh có khi mẹ quên cả bản thân mình!!

“Thương con mẹ hát câu êm đềm, ru lòng thơ ấu, quản gì khi thức trắng đêm. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, nuôi con tới ngày lớn khôn!” (Lòng mẹ_ NS Y Vân.)
Con lớn lên thành tài, mẹ đâu đã hết lo âu, với mẹ, con lúc nào cũng còn bé dại! 

Khi con đi xa mẹ lo sương gió trên đường, không nghĩ tới thân mẹ héo mòn, không ai chăm sóc!

“Mẹ tôi, tóc sương nhuộm bạc tháng ngày. Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai. Bao năm nươi đàn trẻ thơ nhỏ dại. Cầu mong con mình sớm thành người dân!...” (Nhị Hà.)!

 Những đứa ra đi như những cánh chim tự do, bay đi khắp phương trời, biết đâu lòng mẹ nhớ nhung, đau xót! Ai ơi hãy một lần về bên gối mẹ, hãy lắng nghe tiếng ru ngày xưa, ngọt ngào tha thiết!

“Hãy quay về nhìn lại mình, nhìn lại dòng sông, một dòng suối mát trong! Hãy quay về để một lần được nhìn, một lần được nghe lời ngọt ngào ru thiết tha!...”


Còn cha ta:
“Ơn cha như nắng soi trong cuộc đời, người cho ánh sáng, người cho lẽ sống, ơn cha hai tiếng thương yêu vô vàn, sẽ không phai tàn, với bao năm trường!…”
Nhớ bóng cha cao gầy, nghiêng nghiêng trên đường nắng, mệt nhọc sau giờ vất vả mưu sinh! Con càng lớn lên, cha càng già đi, còm cõi, hao gầy...
“Ơn cha như Thái sơn cao bao tầng
Ngoài tuy cương quyết, mà lòng thương mến
Ơn cha như đuốc soi cao trên đường
Đuốc soi tâm hồn, giúp con tìm hướng!...”
Một ngày ta hát, cha mẹ là quê hương! Đã cho con khôn lớn nên người!
Ta tới một lúc làm cha làm mẹ, mới thấy được những nhọc nhằn mà cha mẹ đã trải qua, biết thương mẹ cha nhiều khi là quá muộn, cha mẹ đâu còn bên ta! Buồn! 
Sóc Tím.