Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Đọc bài của bạn.



Qua nhà OM (Hà Tuệ Hương) thấy bài viết hay hay nên không kịp xin phép tác giả đã mang về nhà tải lên chia sẻ với các bạn! Đừng giận nghe OM!

 Công đã bị biến thành Quạ như thế nào?


Chắc ai cũng biết câu chuyện về Công và Quạ. Chuyện kể rằng Công và Quạ cùng dùng chung một hộp màu vẽ, nhưng Công được sở hữu có bộ lông tuyệt đẹp, còn Quạ do quá tham ăn, nôn nóng, nên cuối cùng đành khoác một bộ lông xấu xí.

Chuyện hồi xưa là thế, còn hôm nay mình muốn nói đến chuyện hiện đại hơn, đó là Công đã hoá thành Quạ như thế nào? Nhưng mà sáng nay trời hơi âm u, gợi cho mình hứng thú nói đến chuyện thơ, chuyện nhạc, cho nên mình rẽ ngang, nói chuyện thơ nhạc trước.
Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có một ngôn ngữ thể hiện khác nhau. Ví như nếu ai bảo “Bức ảnh này đẹp như tranh” thì mình thấy thật khập khiễng, hoặc là “Bức tranh này tuyệt vời, trông như ảnh” thì mình giận lắm đấy! Tuy nhiên, riêng thơ và nhạc thì mình nghĩ phải gắn bó mật thiết với nhau. Nhiều bài thơ hay, đọc lên nghe như có giai điệu, có tiết tấu của âm nhạc, và hầu hết các ca khúc hay đều có ca từ gợi chất thơ, hoặc bản thân ca từ chính là một bài thơ. Mình rất không thích những bài hát thiếu chất thơ trong ca từ. Có một số bài khá nổi tiếng, nhưng sự thực là mình không muốn nghe, như loạt bài Không tên của Vũ Thành An, hay loạt bài Bức thư tình của Đỗ Bảo là những ví dụ cụ thể. (Xin lỗi các nhạc sĩ, đây chỉ là ý kiến cá nhân.)
Một nhà thơ khi nghiêm túc lao động để sáng tác một bài thơ nào đó, trước khi đem ra trình làng, chắc chắn anh ấy đã phải cân nhắc kỹ lưỡng từng từ, từng chữ. Mỗi từ, mỗi chữ anh ấy “nhả” ra đều là “máu thịt” của mình. Tuy nhiên, khi anh nhạc sĩ đem bài thơ ra phổ nhạc thì bài thơ chuyển thành loại hình nghệ thuật khác, đó là ca khúc. Ca khúc thì lại là tác phẩm của nhạc sĩ chứ không chỉ là của riêng nhà thơ nữa.

Có một số nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ rất hay như Phạm Duy, Ngô Thuỵ Miên, Phú Quang, … Mình rất thích Phạm Duy với loạt ca khúc phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư… Thử so sánh một bài thơ gốc – Thoáng hương qua của Phạm Thiên Thư với ca từ trong bài hát Em lễ chùa này của Phạm Duy

Bài thơ gốc:
Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp


Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt

Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy


Và lời bài hát:

Đầu mùa xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng màu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp

Mùa hạ qua cùng em đi lễ
Trái mơ ngon đồi gió mơn man
Từ lò hương làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm bờ tóc em vờn


Rồi mùa thu cùng em đi lễ
Có con chim đậu dưới gác chuông
Hòa lời ca vào làn sương sớm
Gió heo may rụng hết lá vàng

Vào mùa đông cùng em đi lễ
Lễ chùa này một thoáng mưa bay
Và ngoài sân vài cành khô gẫy
Gió lung lay một cánh lan gầy.

Vẫn trên nền cấu tứ của bài thơ gốc, ca từ đã được đổi lại cho hợp với nhịp 3/4 và điệu Valse nhịp nhàng, thanh thoát thật tuyệt vời.

Thử một so sánh nữa:

Bài thơ Em hiền như Ma soeur của Nguyễn Tất Nhiên:

…đưa em về dưới mưa
xe lăn đều lên dốc
chở tình nhau mệt nhọc!


đưa em về dưới mưa
áo dài sầu hai vạt
khi chấm bùn lưa thưa
đưa em về dưới mưa
hỡi em còn nít nhỏ
chuyện tình nào không xưa ?


vai em tròn dưới mưa
ướt bao nhiêu cũng vừa
cũng chưa hơn tình rụng
thấm linh hồn ma soeur .


Và bài hát của Phạm Duy với điệu Boston:

Đưa em về dưới mưa,
chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa,
áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa,
hỡi cô em bé nhỏ
ôi duyên tình đã qua,
có bao giờ không xưa?
Vai em tròn dưới mưa,
ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã xa,
thấm linh hồn Ma soeur.

Làm một vài so sánh để thấy nhạc sĩ đã bỏ công sức đầu tư vào lời ca với thái độ thật đáng trân trọng. Tương tự như vậy, với bài Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm, nhạc sĩ Trần Tiến đã làm nên một ca khúc nổi đình nổi đám suốt những thập niên 80-90. Điều đáng nói là nhạc sĩ chỉ lấy ý tứ của bài thơ, còn ca từ đã được sáng tác lại hoàn toàn để phù hợp với xu thế hiện đại.

Mình luôn hứng thú với những ca khúc nổi tiếng phổ từ những bài thơ được giữ nguyên gốc. Nghe những bài này, mình cảm thấy như được xem con công này biến thành con công khác. Đối với những bài được nhạc sĩ sửa đổi lời như mấy ví dụ trên, mình lại như được thấy chim công đã hoá thành chim phượng.

Còn bây giờ mới nói đến chuyện Công hoá thành Quạ đây!

Cách đây khoảng chục năm, mình với mẹ đi xem một buổi ca nhạc chủ đề về Hà Nội, trong đó có bài Hà Nội mùa vắng nhưng cơn mưa do ca sĩ QL trình bày. Khi ca sĩ hát đến câu “Đường cổ như xưa chầm chậm bước ta về”, cả mẹ và mình đều há hốc miệng ngạc nhiên, cứ ngỡ nghe nhầm. Lần sau cố dỏng tai lên để nghe cho rõ thì vẫn thấy ca sĩ hát “Đường cổ như xưa…” Sợ thật! Cũng bài này do ca sĩ CV hát, cảm giác khó chịu vẫn không rời bỏ mình. Lời gốc: “Hoa sữa thôi rơi / Em bên tôi một chiều tan lớp…” nghe có vần có điệu, có chút sương khói mong manh, trong sáng của mối tình thơ dại. Nhưng ca sĩ đã phũ phàng sửa thành “Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp…” nghe trôi tuột hết mọi cảm xúc. Chưa hết, ca sĩ còn tiếp tục sửa “Hơi ấm trao em tuổi thơ ngây” thành “Hơi ấm trao anh tuổi thơ ngây”. Ối giời ơi, thế có chết không! Có cái thơ ngây mà em trao xừ nó cho anh mất rồi thì em còn gì nữa!

Kể thêm mấy trường hợp nữa:

- Bài Điều giản dị có câu “Người yêu ơi dù mai này cách xa / Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta…”. Nghe lời ca có thể cảm thấy một tình yêu da diết. Người ta yêu nhau đến nỗi luôn khắc khoải về một ngày mai có thể mất nhau… Nhưng ca sĩ đã tự ý đổi lại “Người yêu ơi, đừng bao giờ cách xa…” Rõ là Điều giản dị đã được biến thành Điều… phình phường!

- Bài Một mình. Lời gốc:

Vắng em còn lại tôi với tôi
Lá khô mùa này lại rơi
Thương em
mênh mông chân trời lạ
Bơ vơ chốn xa xôi

Karaoke đã sửa thành: Thương em anh mong chân trời lạ… Rõ chán! Thương nhớ kiểu gì mà vợ vừa mới qua đời đã “mong chân trời lạ…” thế nhỉ!

- Bài Thu quyến rũ có câu Mây bay về đây cưới trời – một ý thơ lạ và hay, nhưng tất cả các ca sĩ từ xưa đến nay đều không rõ ý này và hát thành Mây bay về đây cuối trời. Nghe thì cũng xuôi tai, nhưng làm phí mất công tìm tòi của nhạc sĩ.

- Bài Em ơi Hà Nội phố có câu Một chiều phai / (nghỉ nửa nhịp và nhấn mạnh từ “phai”) Tóc em bay. Ca sĩ Lê Dung, Mỹ Linh và Sao Mai đã hát đúng tinh thần đó, nhưng nhiều ca sĩ khác hát liền và không nhấn nên lời ca trở thành Một chiều / Phai tóc em bay và làm hỏng đi cái ý rất đẹp của “một chiều phai”.

- Bài Thuyền và biển có câu Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố, với ý nghĩa Thuyền tượng trưng cho người con gái. Tuy nhiên, đa số nam ca sĩ tự ý sửa thành Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố, làm cho câu thơ trở nên vô nghĩa.

- Bài thơ Chút tình đầu của Đỗ Trung Quân khi phổ nhạc được đổi thành Phượng hồng. Chút tình đầu nghe ngây thơ, trong sáng và “không đụng hàng”, nhưng Phượng hồng thì đã nghe tên nhiều bài na ná như Phượng yêu, Phượng buồn, Nỗi buồn hoa phượng…, tóm lại là làm ta nhớ đến dòng nhạc sến. Ngoài ra, Chút tình đầu là sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối bài, còn Phượng hồng thì chỉ thấy xuất hiện ở đoạn đầu, nên mình cho việc đổi tên như thế làm giảm giá trị của bài thơ. Bài thơ gốc có đoạn:

Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiều – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.

Nghe có vần điệu và logic.

Lời bài hát được sửa thành:

Mối tình đầu của tôi
Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi
Ai cũng hiểu – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.

Lời ca trở nên mất hẳn vần ở câu cuối như ta đang ăn thì nhai phải sạn và chả còn logic nữa. Đã khờ dại, đã ngọng nghịu như thế còn đứng đó mà làm thơ gì nữa nhỉ!

Ồ ố ô, Công đã hoá thành Quạ như thế đó. Và chiều thứ sáu vừa rồi, có một con công của mình cũng vừa hoá quạ. Con công của mình như thế này:



Và sau khi “được” chỉ đạo chỉnh sửa, nó đã thành thế này:



Thôi thì đành tìm một cái tên hoạ sĩ Nguyễn Thị X Y gì đó thay vào tên của mình ở trang cuối vậy!