Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Nhật ký phố núi.



Em vẫn chưa quên!



                        Thác Krông Kmar- KrôngBông. (Ảnh Google.)
Đó là thời gian cô con gái Đông Nguyên sinh đôi, trời ạ, thật vui nhưng cũng thật nhiều lo âu! Anh đi công tác tận ngoài Bắc, em và con trai với cửa hàng trò chơi, cứ bận rộn suốt cả ngày! Con gái chỉ nghỉ có ba tháng, (vì trước đó đã nghỉ rồi!) chồng nó cũng đi làm cả ngày, thôi mượn người giúp là hay nhất!
Người ta giới thiệu cho 2 cô người cuối miền Trung, nói chuyện hơi khó nghe, nhưng chịu giữ trẻ, có lẽ họ biết mình cần nên ra điều kiện là chỉ trông em bé, giặt giũ cho bé chứ không làm việc nhà như đi chợ, nấu ăn… em cũng bằng lòng cáng đáng việc cơm nước, tự an ủi là nhà mình khẩu vị khác, sợ người ta nấu ăn không ngon!
Sau sáu tháng công tác anh về nhà, thấy em đầu tắt mặt tối, quá xót xa, thôi đi theo tôi, bỏ hết, con cái cứ để chúng tự sắp xếp, tự lo liệu lấy, để cho chúng lớn lên chứ, ôm ấp hoài tới chừng nào chúng mới thành người!
Nghe lời anh, em thu xếp mọi thứ, buồn cười nhất là lúc từ giã các chị bạn để đi …theo chồng, các chị cứ cười khúc khích mà mắt rưng rưng!
Những năm tháng về phố núi là thời gian hạnh phúc nhất, sáng sáng anh đi làm, em đi chợ, mua sắm thì ít mà giao lưu thì nhiều, có khi trưa anh về kéo nhau ra quán, cứ như một đôi vợ chồng son!
Ấn tượng với chợ quê là rau non xanh rờn, cá đồng thì ít mà cá biển thì nhiều, mực con be bé đã hấp chín, thơm và ngọt, chắc họ đem về từ Nha Trang! Thịt heo tươi, đặc biệt thit bò tơ và heo rừng! Em trổ tài làm món nhậu (dù anh không biết nhậu!) những bài bản mẹ dạy đem ra hết, anh khen ngon không thua nhà hàng, chỉ chờ có thế em mỉm cười thích thú!
Trời thì lạnh, có hôm chỉ 10-12 độ C, quen với khí hậu ấm nóng của Saigon, em rét run, phòng cửa kính kín mít mà anh còn đặt thêm đèn 200 watt dưới giường mới đủ ấm!
Chiều chiều đi dạo phố, con đường Trần Phú thật dài thơm hương hoa Sữa, ở vùng cao này chắc hoa Sữa có quanh năm! Vừa đi vừa thì thầm nói chuyện, có khi anh hát vu vơ, hít thật sâu không khí cao nguyên trong lành, cảm giác thú vị của những ngày trăng mật muộn màng, em thầm mong thời gian đừng trôi nữa!...
Ngày xưa khó khăn, sau khi cưới về quay quắt với cơm áo gạo tiền, rồi con cái lần lượt ra đời, cuộc sống càng thêm khắc khổ, làm gì có những ngày an nhàn bên nhau mà tận hưởng hạnh phúc! Bây giờ có tuổi rồi, cuộc sống không vội vàng ào ạt nữa, “sống chậm” và vui tươi, thấy đời thật đẹp!
Những ngày vui đó làm sao mà quên được, em vẫn mỉm cười khi nhớ lại một nửa của mình, anh thật đáng yêu!
Sóc Tím.
(26/12/2012)

Góc tản mạn.



Bạn ở phương xa!

Như Mai, Chân Như, Sóc Tím.

Như Mai, nàng nghiện máy tính mất rồi!

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Thơ comments.




Thơ comments.
 


"Nén thở trong lòng ngực
Vẫn tiếng gà gáy trưa
Lúc nhặt rồi lúc thưa 
Mắt bỗng nhòa lệ ướt ..."
 (Ngựa mỏi chân rồi.) 

Nhớ khi xưa còn bé
Trưa hè lén đi chơi
Mẹ gọi về hết hơi
Sợ đòn roi trốn biệt!
 (Sóc Tím)




  1. "Giờ nghĩ lại vui thiệt
    Tuổi thơ vụt qua rồi
    Ngồi ru cháu à ơi
    Hè ru miền ký ức..."
     (Ngựa mỏi chân rồi.)



    Ký ức trôi êm nhẹ
    Mùa hè lại về đây
    Nhìn xác phương rơi đầy
    Lòng bâng khuâng nỗi nhớ!

     Sóc Tím.



    1. (21/06/2013.)

      




Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Thơ tình tím.






Hình như…

Hình như én nhạn lạc bầy
Cố tìm nhau có xum vầy được đâu
Thôi thì ta hãy quên nhau
Giữ trong sâu thẳm phút đầu vấn vương!

Sóc Tím.
(19/06/2013.)

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Viết về cha.






Cha ơi!


"Ai cũng viết bài thơ ca tụng Mẹ
Mà quên đi ngọn Núi Thái bên mình
Quên người đã góp phần không nhỏ
Vào tương lai số phận của con mình"
(ST trên internet.)

Vâng, bạn ấy viết đúng tâm trạng của mình!
Cha một đời vất vả lênh đênh
Vai áo rách cho đời con no ấm
Được chìu chuộng con chỉ yêu có mẹ
Không nhớ gì cha năm tháng ngược xuôi
Để giờ đây con khóc ngậm ngùi
Làm cha mẹ mới biết đời cay nghiệt
Nơi xa xôi cha ơi có biết
Con khóc đây giọt nước mắt muộn màng
Nhớ mẹ cha năm tháng yêu thương
Giờ cô độc trên bước đường vô tận!

Sóc Tím.

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Tản mạn tháng 5.





Nhạc sĩ với nhà thơ.


Một bản nhạc thường có vần có điệu như một bài thơ, có phải nhạc sĩ làm thơ trước rồi mới phổ nhạc? Thơ được viết lên từ tình yêu cỏ cây hoa lá hay rung động từ những sự vật quanh mình; chim ca suối hát hay nỗi đau niềm nhớ từ trái tim mình. Một bài thơ hay đi vào lòng người và sống cùng năm tháng, nhưng nếu bài thơ được hát lên thì nó sẽ sống dài, sống mãi và nhiều người nhớ hơn!

Một bài thơ của Thảo Phương, nhạc Phú Quang:
 “…Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Chợt nhớ cánh buồm xưa ấy
Chiều nay cũng bỏ ta đi….”

Thảo Phương đã đi xa, nhưng “Nỗi nhớ mùa đông.”còn ở lại, mãi còn ở lại!

Ta thử nghe Phạm Duy:
“…Em đến bên tôi
Một chiều khi nắng phai rồi
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới…”
(Bên cầu biên giới.)

Hay Văn Cao:
“…Thiên thai, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần!...”
(Thiên thai.)

Với Nhạc sĩ Văn Phụng:
“Ô mê ly đời sống với cây đàn
Tình tang tang dạo phố rồi ca vang…”
(Ô mê ly.)

Trịnh Công Sơn với “Hoa vàng mấy độ”:
“…Em đến nơi này
Vui buồn đi nhé
Đời sẽ trôi xuôi
Qua ghềnh qua suối
Một vết thương thôi
Riêng cho một người…”

Những nhạc sĩ tài danh như Phạm Duy, Văn Cao, Văn Phụng, Trịnh Công Sơn… và còn nhiều người nữa, đã rời cõi sống với bao buồn vui, đau khổ, để lại một gia tài thi ca to lớn cho chúng ta và ngàn sau!

Thuở còn thơ ta hay ê a:
“Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh
Muôn chim hót vang lên, êm đềm
Lên trường tôi, con đê bé xinh xinh
Len qua đám cây xanh, nhẹ lướt…”
Những ngôi trường trẻ thơ vẫn còn đó nhưng người nhạc sĩ tài ba Phạm Trọng Cầu thì đã đi xa…

Với Lê Uyên Phương:
“Đưa em xuống phố trưa nay
Đang còn ngất ngất cơn say
Đưa em bước xuống cơn đau
Bên ngoài nắng đã lên mau…”
(Vũng lầy của chúng ta.)
Bốn câu này có phải là thơ không, âm điệu nó là như thế!

Hay với Thanh Tùng:
“Nhớ em giọt mồ hôi giấc trưa
Áo bay trời đổ cơn mưa
Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ
Tan ca bố có đón đưa…”
(Một Mình.)
Ai nói những câu này không phải là thơ chứ!

Thơ và nhạc, quả là một sự hòa quyện tuyệt vời!

Với “Tiếng đàn tôi” của NS Phạm Duy:
“…Mênh mông lả ơi
Thuyền về tới bến mơ rồi
Khoan khoan hò ơi
Dìu dặt theo tiếng đàn tôi
Mênh mông lả ơi
Thuyền chờ mong gió lên trời
Mang theo đàn tôi
Chở về đậu bến ngày vui!”

Vẫn với câu hỏi: “Vậy nhạc sĩ có thể là một nhà thơ không?”
Nhạc sĩ rất yêu cái đẹp, không chỉ yêu với tình yêu đôi lứa mà là yêu đất nước, con người, yêu trời xanh mây trắng,…những tiết tấu nhẹ nhàng, lãng mạn, những ca từ rất thơ, êm ái như thơ, và cũng bi tráng như thơ.
Nhạc sĩ Hoàng Việt với “Tình Ca”:
“…Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa
Đã biến tình đôi ta thành những ánh sao toả sáng
Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa…”

Vậy một nhạc sĩ có thể cũng là một nhà thơ không?
Ta nghe nhạc sĩ Văn Cao nói về Trịnh Công Sơn:
“Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ… Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra…”
(Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ.)

Trong “Ru đời đi nhé”, nhà “Thơ Ca” viết:
“…Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng
Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than
Chân đi nằng nặng hoang mang
Ta nghe tịch lặng rơi nhanh dưới khe im lìm…”

Theo tôi, một nhà thơ chưa chắc phải là một nhạc sĩ, nhưng một nhạc sĩ thì có thể là một nhà thơ!

Ta kết lại bằng lời bài hát “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ trẻ Giáng Son nhé!
“…Và gió theo em trôi về con đường..
Và nắng theo em trên dòng sông vắng..
Mùa đã trôi đi trong miền xanh thẳm..
Mùa đã trôi đi những lần em buồn..

Từng dấu chân xưa trên đường em về..
Giờ đã ra hoa những cành hoa vắng..
Người đã đi qua những lời em kể..
Này giấc mơ trưa bao giờ em về?.”

Sóc Tím.
(13/06/2013.)

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Dành cho các bé.





Mầm đá.

(Bài này Bà Ngoại viết tặng cho Tom và Sue)

Trạng Quỳnh nói với vua:
-“Chúa Thượng ráng chờ thêm một chút nữa, thần hầm cho lâu thì đá mới có mầm, ăn mầm đá rất bổ dưỡng, tăng thêm sinh lực và kéo dài tuổi thọ.”
Nhà vua nói:
-“Trẫm đói quá rồi, chịu không nổi nữa, thôi nhà khanh có gì cho Trẫm ăn tạm.”
Trạng dọn ra cơm và tương, nhà vua ăn một hơi mấy chén, rồi hỏi trạng:
-“Món này ngon quá, sao trong cung ta chưa từng được ăn?”
Trạng nói:
-“Trong hoàng cung Chúa Thượng quen ăn cao lương mỹ vị, đây là món tương của dân nghèo làm sao trong cung có được.” 
Vua gật gù suy nghĩ một chút, rồi như hiểu được ý Trạng, Vua hồi cung không chờ ăn món mầm đá nữa!
Đó là câu chuyện ngày xưa ông bà ta hay kể lại cho con cháu nghe.
Hôm nay trước khi đi học, hai bé nói thèm ăn bánh tráng phơi sương, mẹ các bé dặn đừng nấu cơm chiều, cả nhà nghỉ ngơi một bữa.
Buổi chiều tôi có chút việc bận, quên mất lời hứa với hai bé. Năm giờ chiều xe trường ngừng trước nhà tôi mới giật mình, ấy chết, quên món bánh tráng phơi sương rồi, cô chị của các bé cũng tới giờ đi học rồi, làm sao đây? 
Tôi nhớ tới món mầm đá, ừ, thử cho hai bé ăn trễ một bữa xem sao. Tôi nói:
-“Bây giờ các con lên lầu, uống nước cam chị con pha sẵn đó, rồi ăn bánh lưỡi mèo, bánh mì …, chờ chị đi học về mua bánh tráng phơi sương nhé!”
Các bé chưa đói lắm nên chạy ào lên lầu, ăn bánh rồi chui vào phòng đọc truyện tranh. 
Gần bảy giờ các bé đói quá, bắt đầu nhăn nhó, mẹ bé đi làm về cũng thấy sốt ruột, tôi nói:
-“Cứ để chúng ăn mầm đá một bữa đi!” 
Mẹ bé buồn cười:
-“Ngày thường đứa nào cũng làm biếng ăn, đói một chút chắc chúng ăn ngon hơn.”
Bảy giờ các bé bắt đầu khóc, tôi cũng thấy hơi ân hận vì không biết mình làm vậy có đúng không, mẹ các bé càng sốt ruột hơn nữa:
-“Chờ đi, ít phút nữa thôi mà, chị sắp về rồi.” 
Các bé càng khóc to hơn, cảnh đói ăn này lâu lắm tôi mới thấy, nghĩ thầm: 
“Ai bảo lười ăn, đói một lần cho biết nhé!”
Cậu bé nghe tiếng kèn xe, chạy ùa ra mừng rỡ:
-“ Hoan hô, bánh tráng phơi sương đã về rồi!” 
Tôi cũng mừng quýnh, thấy trong lòng nhẹ đi, cảm giác ân hận đã vơi bớt phần nào.
Các bé nhào vào bàn ăn, không như mọi ngày phải gọi tới gọi lui, không phải kể chúng ăn như thế nào, chắc là ngon hơn nhà vua ăn mầm đá! Ta phải để trẻ con hơi đói, chúng ăn mới thấy ngon!

Sóc Tím.