RANH GIỚI.
Đi cổng Thuận Kiều, theo một lối
nhỏ vào trại 25, người và xe cộ xôn xao, đông như đi hội chợ, có một điều khác
biệt là khó tìm được một nụ cười giữa những con người này, trên mỗi gương mặt
như có một nỗi buồn, một mối ưu tư. Có những người tay xách nách mang, luộm
thuộm với những túi đầy áo quần, vật dụng và cả thức ăn…họ đến từ một vùng quê
xa xôi nào đó, rồi tới những người mang dáng dấp thượng lưu, giàu có, như một
đôi vừa bước xuống từ chiếc xe hơi màu đen sang đẹp kia, họ chung một nỗi niềm:
Người thân đang vật vã với căn bệnh hiểm nghèo phía bên trong đó! Nơi mà người
ta nói: “Đã đặt một chân vào cõi chết!” Chốn này với tôi không xa lạ gì, người
thân yêu nhất của tôi đã từng vào đây, và tôi đã từng xem đây như ngôi nhà hi
vọng của mình, và tôi đã thất vọng, đau đớn, người ấy đã không bao giờ về nữa!
Trong lòng tôi trào dâng nỗi nhớ, trời ạ, tôi đã cố quên và tưởng mình đã quên.
Bên ngoài hành lang thân nhân
người bệnh trải chiếu nằm ngồi như trại tạm cư, họ không dám về nhà vì sợ có
khi không được gặp người thân lần cuối, ranh giới giữa sống chết ở đây thật mờ
nhạt, người thân của họ có thể ra đi vào bất cứ lúc nào, người ta lo sợ, người
ta cầu nguyện, than khóc nhưng không thấu tới trời xanh! Nhỏ em lẫm nhẫm đọc: Lầu 1, Khoa Giãm Đau, Phòng 3, tôi bước những bước nặng nề, quay đi giấu dòng lệ nóng, đứng tần ngần thật lâu, mới dám vào, sợ cậu em thấy mình khóc, lòng buồn thật buồn, nhưng cố gượng cười để người bệnh yên tâm.
Cậu em với nụ cười mệt mỏi, nhưng đôi mắt vẫn tràn đầy tin tưởng, nói khẽ:
-Họ đã bắn tia gama vào não tôi, chắc là có chút hi vọng kéo thêm thời gian, tôi không thấy lo sợ gì, chỉ tiếc là mình còn quá nhiều việc…
Tôi muốn khóc quá, anh cũng thế , tỉnh táo đến phút cuối cùng, trong tôi sống lại cảm giác của những ngày đó, thật buồn, không có gì đau hơn cái chết được báo trước, mà mình không thể làm gì được! Nhưng người bệnh và thân nhân họ vẫn hi vọng, vẫn mong chờ, chờ một phép lạ, có phép lạ không hỡi đấng trên cao kia?
-Anh ấy rêm hết mình mẩy, đau đớn lắm, ai bảo bệnh này không đau, nhìn kìa, ông kia khóc như một đứa trẻ. Cô vợ buồn bã nói.
-Dượng yên tâm tịnh dưỡng nhé, đừng lo lắng gì, có các anh chị đây, cần gì thì mỗi người một tay, ráng nghỉ ngơi cho lại sức nghe.
- Thì tôi có lo gì đâu, mỗi người có số mà, anh ấy đi trước chắc cũng chờ tôi…
- Dượng đừng nói nữa…
Tôi im lặng cho nỗi buồn trôi đi, thế đó, gần một năm rồi mà tôi cứ ngỡ như mới ngày qua, ôi thời gian có xoa dịu được không niềm đau, nỗi nhớ! Có làm cho tôi quên được người đi!
- Kêu bác sĩ đi, có người ngất kìa.
Bà mặc áo xanh la toáng lên, mọi người chạy tới, những người thăm bệnh tản ra ngoài, đứng nhìn vào, người ta hô hấp, tiêm thuốc, truyền dịch, người bệnh tỉnh dần, thân nhân bớt lo lắng, người mẹ già khóc không ra tiếng, đưa khăn chậm chậm nước mắt, có người nói:
-Ổn rồi, không sao đâu, đừng khóc nữa!
Nhìn người mẹ cằn cỗi, tóc bạc trắng với nỗi lo mất
con, thương quá tuổi già còn bao nỗi lo âu, nếu đứa con trai ra đi, ai săn sóc
mẹ sau này, thật buồn!
Chúng tôi ra về, đêm tối gió hiu hiu, hình như trời sắp
đổ mưa, đường ra cổng nghe sao thật dài, và nỗi buồn cũng dài theo, có lúc tôi
muốn tan vào ranh giới của sự sống chết, một lần thôi để thấy anh hiện diện, để
thấy anh nói cười, nhưng mà…chỉ trong ý nghĩ thôi, và anh, chắc không bao giờ
gặp lại nữa đâu, anh đã vui cười ở một nơi nào xa lắm, còn nhớ gì không anh…?
Sóc Tím.
(01/10/2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]