Về
miền ký ức.
Chương I: Vùng đất U Minh.
Đó
là một làng nhỏ, dân cư thưa thớt, trong ký ức của tôi lờ mờ con kênh nước màu
cà phê, một thầy thuốc người Nhật nói nước với lá chết và rễ cây từ thượng
nguồn của rừng U Minh Thượng đổ xuống, nước này có thể dùng để chữa bệnh (?)
không biết đúng sai, vì thời đó ít thấy ai bệnh nặng, cho tới bây giờ cũng thế
hình như người dân quê ít ốm đau hơn người thành phố, còn có phần vì không khí
miền quê thoáng mát, trong lành. Một điều lạ tuy nước có màu đậm đà nhưng đất
sét thì trắng mịn, đất sét nằm sâu dưới tầng đất xốp thô của lá cây, tôi nhớ rõ
lắm vì hay theo các anh chị xuống bờ kênh lấy đất sét về nặn đồ chơi, có khi là
những con thú ngộ nghĩnh, giờ thủ công thầy hay bắt nặn đồ vật bằng đất sét,
thường thì các anh chị làm cho tôi, hôm đó tôi giận nên tự mình làm cái chảo,
theo tôi nó cũng mỏng manh như cái chảo bà tôi hay dùng để chiên cá, kết quả
tôi nhận điểm 1, tôi khóc sưng mắt mà các anh chị tôi cứ cười, thật đáng ghét,
tôi giận luôn mấy hôm, hồi đó tôi giận dai lắm, cho tới khi anh chị dỗ dành cho
kẹo mới thôi, đúng là con nít.
Thường
những ngày lễ hay ngày tết, người ta tổ
chức hội chợ ở khu đất trống, rộng lớn, có gánh hát kéo về diễn, tôi mặc quần
áo mới và được các anh chị dắt đi chơi, không vào xem hát vì ít tiền, chỉ đủ
mua quà vặt bán quanh hội chợ, đến gần cuối giờ gánh hát xả giàn thì kéo nhau
vào rạp coi mặt đào kép, đối với bọn nhóc chúng tôi như vậy là sung sướng lắm
rồi, không còn đòi hỏi gì hơn, lại nữa có vào xem hát thì chắc không hiểu gì vì
còn bé quá, làm sao có thể ngồi yên được, nhìn đào kép ăn mặc đẹp bọn tôi thích
lắm, ước gì họ cứ về làng diễn hoài thì vui biết mấy, chứ ngày thường buổi tối
ở đây buồn hiu, hôm nào trăng sáng người lớn dắt lên cầu ngồi ngắm trăng và kể
chuyện ma, lũ nhóc chúng tôi ngồi nghe say sưa rồi sợ hãi nép vào nhau, khi về
đứa nào giả vờ hù dọa thì ù té chạy về nhà, thế đấy, nhát mà thích nghe chuyện
ma. Một lần đi ngang vườn chuối nhà bác Tư, nghe tiếng sột soạt bọn tôi chạy
thụt mạng, thằng Lưu kể là khi nó quay đầu lại thấy một bóng trắng tóc dài, từ
đó về sau ban đêm bọn tôi không dám đi ngang vườn chuối nữa.
Lan
man một chút, chưa đi vào rừng U Minh, bà tôi kể hồi chạy giặc, bà lạc vào rừng
sâu, chạy trên lớp lá mục, dày lắm nên trượt chân xuống ao hồ mà không biết,
nước lạnh như băng, bà may mắn trườn lên được, thoát hiểm, sau này có người nói
đó là ao cá sấu, hú vía, giờ nhắc lại còn sợ, trời ạ, nếu bà mà gặp cá sấu thì
than ôi, làm sao còn có được một tôi nghịch ngợm! Tôi không biết là có cá sấu
hay không, chỉ biết sau này có người đánh bắt được những con cá trê to, mỗi
khứa to bằng cái dĩa, da thì dày như da trâu vậy! (hì, phần này tôi cũng chỉ
nghe kể lại mà thôi, chứ chưa từng thấy được nên cũng không dám nói chắc là có
không!)
Rừng
U Minh lắm muỗi nhiều đĩa (một loài hút máu người không nhả ra cho tới khi
người ta bôi vôi mới chịu rơi ra, kinh quá, may mà thuở ấy tôi chưa từng bị đĩa
cắn, vì có dám đi xa đâu!) Nhưng rừng cũng là nơi cung cấp nguồn thức ăn phong
phú…chim, cá…không quên kể loài ba khía, một loại giống như cua đồng mà ở thành
phố chúng ta hay nấu với rau đay, món canh ngọt lịm ăn vào mát tận tim phổi,
hì, lại lan man nữa rồi, đang nói tới ba khía ở đây nhiều vô số kể, ăn không
hết người ta muối để dành. Ba khía muối bán ngoài chợ, mua về xé ra trộn tỏi ớt
chanh đường, ăn một lần sẽ nhớ mãi, nghĩ tới thôi là tôi thấy thèm, chắc là
phải ăn hết ba, bốn chén cơm với ba khía! Ăn là ghiền luôn, (không biết có
giống bánh xèo ăn là ghiền không, mà tôi ăn một lần rồi trốn luôn vì vừa dỡ vừa
đắt…) Mời bạn một lần thử ăn ba khía để biết thế nào là hương vị quê nghèo của
tôi.
Quê
tôi là một vùng nhiều tôm cá, ngày đó người ta đi đánh bắt chứ không nuôi như
bây giờ, phải kể đến cá lóc, cá trê, cá linh, con cá rô tum tích (?), đó là những
con cá rô chỉ to bằng ngón tay, loại này
hình như không lớn hơn nữa, (chiên dòn ăn ngon tuyệt!) người ta chặn ở những
con rạch nhỏ và xúc về hằng thúng! (thúng là một loại rổ, đan bằng nan tre kín,
tùy kích thước lớn nhỏ theo yêu cầu, có khi to bắng cái thau giặt đồ ở nhà, lớn
hơn nữa có thuyền thúng, loại này ở vùng quê miền Tây không thấy.) cá lóc, cá
linh người ta muối làm nên một loại mắm nổi tiếng cho vùng quê Nam Bộ, phải kể
đến bún mắm, là một món ăn độc đáo mà khi đi xa người ta không thể quên hương
vị quê nhà! (tôi hay gọi cho chị tôi ăn giùm tôi một tô bún mắm cho đỡ nhớ quê!
Hì, tôi cũng có cách bày tỏ tình quê đó chứ!)
Quê
tôi có nhiều loại chim, nhiều nhất là se sẻ, bồ câu mà người nhà quê gọi là
chim cu đất, loại này nấu cháo đậu xanh ăn giải cảm (?), trứng thì bé xíu,
thỉnh thoảng tôi được các anh chị cho ăn trứng chim, vì tôi bé nhất và được
cưng nhất nhà, ngon lắm và thích lắm, bây giờ người ta nuôi chim cút để lấy
trứng, mà trứng cút có ngon gì đâu, có lẽ mình đã quá lớn và quá nhiều thứ để
ăn ngon nên bây giờ dù được thưởng thức món trứng bồ câu ngày trước chắc gì
mình cảm nhận được hương vị đó!
(
Xin lỗi, tôi kể thế này chắc là các vị bảo vệ môi trường sẽ nhíu mày, nhăn mặt.
Thực ra ngày ấy chưa có khái niệm gì về bảo vệ môi trường, cái gì có trong
thiên nhiên là để phục vụ cho con người, nên người ta đánh bắt vô tội vạ, triệt
hết đường sống của các sinh vật trong thiên nhiên hoang dã, phá rừng để tìm đất
sống và gỗ quí, gây nên hậu quả nghiêm trọng mà ta và con cái chúng ta phải
gánh chịu! Người ta không biết rằng tài nguyên thiên nhiên tuy nhiều vô kể
nhưng không phải vô tận, rừng bạt ngàn nhưng khai thác quá sức cũng không kịp
hồi sinh! Cá ở sông sâu, mà đánh bắt cả cá con, cá nhỏ thì cá đâu còn để kịp
lớn lên!)
Rừng
tràm ở U Minh rộng lớn bao la, là loại tràm bông trắng, lá xanh mềm, chứ không
phải loại tràm bông vàng, lá hình lưỡi liềm mà ta học trước đây, lá cây tràm
dùng nấu dầu, như kiểu dầu khuynh diệp xức cho em bé, lá cây còn dùng để xông khi
bị cảm, thơm ngát và dễ chịu, cây tràm
thân thẳng, cao, to dùng trong xây dựng còn rể cây có thể làm đồ mỹ
nghệ. Trong rừng còn có rất nhiều loại cây, phải kể đến cây dừa nước, trái ăn
được, lá để lợp nhà. Ở thành phố người ta hay trang hoàng quán xá mái lợp bằng
lá dừa, mát mẻ và trông rất đơn sơ hoang dã, xem như được gần gũi với thiên
nhiên. Còn ở nông thôn, người ta hay thích nhà mái ngói đỏ tươi, hay mái tôn
cho chắc chắn và cố tạo ra phong cách như thành phố, tôi nghĩ người nông dân
thích ăn chắc mặc bền, đúng thôi, xa xa một ngôi nhà, nếu xây không vững chắc
thì làm sao chống chọi được với mưa gió bão táp!
Thường
mỗi ngôi nhà đều có một bụi tre, màu xanh của tre trang trí cho ngôi nhà thêm
dáng vẻ đơn sơ mộc mạc, thân tre còn làm được nhiều vật dụng trong nhà như ghế
bàn, chổng tre,…tùy theo sự khéo léo của người chủ, thúng, rổ, mành cửa, sạp để
bày hàng…tôi biết nhiều ngôi nhà vật dụng toàn bằng tre, chắc là đẹp lắm nhưng
đôi mắt trẻ thơ tôi thời đó chưa nhận ra được, mà bây giờ chắc đã thay đổi, tôi
có về lại cũng không còn cảnh cũ người xưa!
Thuở
nhỏ tôi không có nhiều đồ chơi, cũng không có cún con hay gấu bông để mà ôm ấp,
nhà có một con chó Mực biết bơi, nghe đâu lần đó anh chị tôi bế tôi ra bờ sông,
để tôi đứng chơi một mình rồi đùa nghịch với nhau, quên mất tôi. Tôi lén đi ra
đống tràm bờ sông, (Người ta đốn tràm từ rừng về rồi đóng cọc ngâm ở bờ sông,
tôi không biết làm thế cho nó tốt lâu hơn không?) nơi đó cũng là một chổ vui
chơi của những đứa nhóc, nhưng tôi là bé mới biết đi, loay hoay thế nào tôi rơi
xuống nước, chó Mực đang chơi trên bờ sông nhảy xuống cắn áo tôi lôi vào bờ, hú
vía anh chị tôi tới kịp mang tôi lên, hì hì, thế mà tôi cũng còn sống…không
biết họ hô hấp cho tôi như thế nào, không nghe chuyện mang đến bệnh viện vì
phải đi mất hàng chục cây số, tôi nghe kể lại là anh chị tôi bị đòn một trận
nên thân, từ đó về sau tôi đươc chăm chút kỷ hơn nữa, hì hì, chó Mực trở nên
nổi tiếng là chó cứu hộ, khi tôi lớn hơn một chút, chó Mực vẫn quanh quẩn theo
tôi như một người bạn và hình như cũng để canh chừng tôi, thương ghê, xa quê nhà
tôi cũng rất nhớ chú chó đó lắm, người bạn nhỏ trung thành nhất.
Có
một loài cút con, người ta gọi là cút đất, khi bị rượt đuổi nó chui xuống đất,
(đất xốp mềm mà) tôi không biết nó lớn lên có giống cút nuôi bây giờ không, anh
chị tôi chỉ bắt cho tôi chơi những bé cút giống như gà con, chỉ là “những hòn
tơ nhỏ” rất xinh, loại này không nuôi được, tôi chơi với nó một lúc (chỉ để
trong lồng và nhìn thôi, rồi lại thả đi, không dám chạm tay vào như với gà con,
chị tôi nói có hơi tay là nó chết), tới bây giờ lớn lên tôi cũng không thể
tưởng tượng được cút trưởng thành ra sao nữa!
Ngang
sông là nhà bác tôi, bác bán tạp hóa, mỗi lần anh chị dắt qua cây cầu tre lắt
lẽo tới nhà bác, tôi mừng lắm, bác tôi hỏi thăm tôi học hành thế nào, tôi sẽ
khoe rằng tôi giỏi nhất lớp, bác xoa đầu tôi và thưởng cho một gói kẹo, có khi
bác hỏi tôi thích gì, tôi chỉ chờ có thế, sẽ nói ngay rằng tôi thích cái bút chì
bằng gỗ thơm kia, và còn cục gôm rất đẹp nữa, bác chưa lần nào từ chối tôi,
chắc hồi nhỏ tôi mủm mỉm dễ thương. Hì, rồi đây mấy đứa bạn sẽ nhìn tôi thích
thú và còn mượn để ngửi xem nó thơm cỡ nào nữa!
Quê
tôi vườn thơm (dứa) bạt ngàn, thơm mắt to và ngọt lịm, mùa thu hoạch người ta
chở thơm bằng ghe bầu (?) ra tỉnh bán những trái thơm lớn và đẹp. Còn lại những
trái bé hơn, ăn không hết người ta ép lấy nước để uống, là thứ nước giải khát
tuyệt vời, làm dụng cụ ép thơm rất đơn sơ bằng thân tràm nhỏ và sức người, hồi
đó chị em tôi hay đánh đu trên chiếc cần ép và hay ăn những lỏi thơm, thích ăn
cho vui vậy, không nhớ là có ngon không, và còn đùa nghịch quanh sân khi người
ta nấu nước thơm thành kẹo màu (nước màu) để kho cá. Thời đó không thấy ai làm
mứt thơm, à, người ta chỉ cắt thơm thành những khoanh mỏng và phơi khô, món này
mời khách ăn và uống trà thì ngon tuyệt. Khi lớn lên xa quê tôi nhớ hương vị
trái thơm ngày ấy, một người khách ở quê lên cho một cặp thơm trông rất ngon
mắt, tôi ăn vào sao không giống trái thơm xưa, nó không chua, không ngọt lắm mà
nghe nhàn nhạt, tôi tự nhủ chắc là mình lớn rồi, không còn đươc cảm giác của
trẻ thơ, (ngày ấy còn bé ăn gì cũng thấy ngon, không như trẻ con bây giờ đa số
rất kén ăn và yếu đuối!)
Có
một loại trái cây hoang dã, tròn bé như trái trứng cá được bọc trong một cái
bao kín, như là cái lồng đèn có chớp nhọn, còn non có màu xanh, khi chín lớp
bao ngoài vàng héo đi, bóc ra có một viên tròn bên trong, như hòn đá cuội nhỏ
màu vàng chanh, ăn thơm giòn, có vị chua chua ngọt ngọt, (bây giờ nghĩ tới đã
nghe thèm ăn!) tên là trái Thù lù, (hì hì tên gì mới nghe biết là nó mập ú
rồi!) bây chắc nó tuyệt chủng rồi, vì tôi dặn những người quen tìm hoài mà
không có! Một lần lên vùng cao, tôi có gặp trái cây giống như vậy, nhưng không
dám ăn sợ nhằm cây độc. Thôi cứ để trái ngon nằm trong ký ức, giờ gặp lại chắc
gì tìm được một chút ngày xưa!
Nhắc
đến miền quê sông nước mà không kể đến chuyện xuôi ngược trên những chiếc thuyền
con, quê mình phương tiện đi lại bằng
ghe thuyền, thuở nhỏ được đi theo anh chị trên sông là hạnh phúc lắm. Có nhiều
loại thuyền ghe, ghe bầu, ghe tam bản… xuồng ba lá là bé nhất, có thể gọi ví
von nó là chiếc xe đạp trên sông, gần như nhà nào cũng có.
Nhạc Sĩ Trần Tiến
viết:
“…Về đây người quê chỉ có tấm lòng, có chiếc xuồng ba lá để yêu em…”.
Xuồng
ba lá là hình ảnh sống động của sông nước miền Tây, cô thôn nữ mặc áo bà ba, tóc
xõa buông dài, nón lá thắt nơ, nghiêng mái chèo duyên dáng làm say đắm bao
người. Bây giờ ở thành phố người ta mang khẩu trang tránh bụi và nắng, còn các
chị ở quê tôi thời đó cũng biết quấn khăn để che nắng gió, để đôi má hồng đừng
rám nắng, con gái dù thời nào, dù ở đâu cũng thích làm duyên. (Không thích làm
duyên, không phải là con gái! Tôi nhớ hồi còn bé, nhà có chiếc gương to, chị
tôi chải tóc cho tôi, thắt bím, cài nơ hồng, tôi cứ ngắm mình trong gương,
thích thú với bộ quần áo mới chạy đi khoe với các bạn, lũ bạn trầm trồ nói tôi
xinh như búp bê, chắc là mũi tôi lúc đó phồng to lắm, trẻ con mà được khen thì
thích lắm!).
Tôi
không quên kể, đám cưới người ta cũng rước dâu bằng… ghe hoa, (không phải xe
hoa đâu nhé!) một lần đám cưới anh tôi, tôi cũng được cùng đi rước dâu, mặc đầm
hồng ngồi trên thuyền kết hoa, đi trên sông, các bạn nhỏ hai bên bờ nhìn xuống,
bạn có tưởng tượng khi đó tôi hãnh diện tới cỡ nào! Rồi thuyền ghé bến nhà gái,
người lớn bế tôi lên giữa bao ánh mắt của những người bạn nhỏ, chị dâu tôi còn
khen: “ Ôi, em tôi xinh quá!” tôi sung sướng lắm, nghĩ thầm ước gì nhà mình có
đám cưới hoài thì thích biết bao!…hì hì, thời trẻ con đáng yêu làm sao! Thuyền
rước dâu về, tôi được ngồi bên cạnh cô dâu, chị còn choàng tay ôm tôi, người ta
chụp hình liên tục, tôi cứ mỉm cười hoài và thả hồn bay tận mây xanh, mơ màng
rằng khi mẹ tôi thấy hình tôi, mẹ sẽ may cho tôi thêm nhiều quần áo mới, tôi sẽ
được mặc đẹp như là công chúa…nhưng bạn nhỏ của tôi nói rằng không được đâu vì
bạn ấy không phải là hoàng tử, hì hì, thời trẻ con vui ghê!
Quên
kể, bạn chó Mực của tôi cũng được các bạn tôi kết vòng hoa đeo vào cổ để mừng
đám cưới, bạn ấy cứ vẫy đuôi và ngúc ngoắc cái đầu, không biết khó chịu vì vòng
hoa hay tự thấy mình quan trọng hơn,
(như cô chủ nhỏ của chú vậy!)
Lục
bình như môt loài hoa trên sông, lá to màu xanh, bông màu tím nhạt, đẹp vô cùng
và cũng buồn man mác, tôi không là thi sĩ mà cứ muốn làm thơ, để ca tụng thiên
nhiên tươi đẹp, tôi không biết có bài thơ nào ai đó đã viết về hoa lục bình,
nếu chưa có thì quả là thiếu sót! Loài hoa này theo nước biển đi vào các nhánh
sông, rất dễ sống, nếu bám được vào một nơi nào thì sẽ sinh sôi nẩy nở nên một
vùng rộng lớn, người ta thường trồng lục bình để giữ đất ven sông, thật thú vị phải
không? Hồi còn đi phà, tôi rất thích ngắm lục bình để thả hồn đi mông lung, và
nghĩ tới kiếp thương hồ trôi giạt, ôi, phải chi tôi biết làm thơ, không chừng
hoa lục bình đã đi vào sách vở! (hì hì, tự tin ghê đi!). Bây giờ người ta trồng
lục bình để làm đồ thủ công mỹ nghệ, có thế chứ, lục bình đơn sơ của miền nhiệt
đới thành hàng cao cấp xuất ra các nước, lục bình giờ đã có tên tuổi, không còn
là một loại hoa bèo xinh tươi chỉ để cho người ta ngắm nghía! Cám ơn thiên
nhiên hoang dã đã cho chúng ta tất cả những gì đẹp nhất để mãi yêu cuộc sống
này!
Sóc Tím
(28/11/2010)